Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 9-3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 36, nhằm đánh giá công tác chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) và cho ý kiến về một số dự thảo luật, Nghị quyết dự kiến sẽ trình kỳ họp thứ chín sắp tới.
Phiên họp thứ 36 sẽ diễn ra trong bảy ngày, từ ngày 9 đến 17-3 và xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với một số bộ trưởng, trưở ng ngành.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong thời gian hơn một tuần, Ủy ban TVQH sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, quan tâm xem xét tình hình và tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị IPU-132. Đây là sự kiện ngoại giao nhà nước quan trọng trong năm 2015, chứa đựng những thông điệp quan trọng về hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Tổ chức IPU-132 là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện đến bạn bè quốc tế; giới thiệu hình ảnh Quốc hội Việt Nam năng động, đổi mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng cho biết, IPU-132 dự kiến có tới 67 cuộc họp, 66 cuộc tiếp xúc songphương. Đến nay, đã có 126 đoàn đăng ký tham gia; trong đó, Nghị viện thành viên có 97 đoàn, quan sát viên 17 đoàn, thành viên liên kết bốn đoàn, khách mời IPU tám đoàn. Trong số này, có 34 Chủ tịch Nghị viện/Quốc hội, 31 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và hai Chủ tịch thành viên liên kết đăng ký sẽ tham dự. Dự kiến thành phần đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tại các diễn đàn của IPU-132 gồm 12 đại biểu QH đại diện cho quốc gia chủ nhà tham gia và phát biểu tại 15 diễn đàn của Đại hội đồng. Đoàn Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về một số lĩnh vực như: Chiến tranh mạng, mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới; Định hướng cơ chế mới về quản trị nguồn nước nhằm thúc đẩy hành động của Nghị viện về nước; Hoàn chỉ nh luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; Công ước về quyền trẻ em, vai trò của QH trong việc giải quyết những thách thức nhằm bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em; Dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số…
Tại phiên họp sáng 9-3, các thành viên Ủy ban TVQH và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về IPU-132 đã đóng góp ý kiến về những vấn đề cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chuẩn bị sự kiện ngoại giao nghị viện đặc biệt quan trọng. Về công tác tổ chức, trong giai đoạn tiếp theo, trọng tâm công việc là tiếp tục triển khai các đề án, đồng thời tổ chức diễn tập và tổng duyệt toàn bộ các hợp phần của sự kiện, trong đó có các sự kiện lễ tân, gặp gỡ quan trọng do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì. Dự kiến, ngày 15-3 tới, Ban Tổ chức sẽ tổ chức tổng duyệt Lễ khai mạc IPU-132 tại Nhà Quốc hội.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất, bảo đảm thành công của IPU-132 là nội dung nghị sự, phía Việt Nam phải tham gia tích cực trong quá trình chuẩn bị của Ban Thư ký IPU, chuẩn bị tốt dự thảo Tuyên bố Hà Nội, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của đất nước, tạo dấu ấn mạnh mẽ, tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Chủ tịch QH đề nghị các tiểu ban cần chuẩn bị tốt các nội dung tham gia vào các nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua tại các tiểu ban chuyên đề của Đại hội đồng.
Ủy ban TVQH cũng đã cho ý kiến về những nội dung lớn còn khác nhau trong dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật (BHVBPL). Chung quanh một số nội dung trong dự thảo Luật BHVBPL, về thẩm quyền ban hành nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban TVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi kinhtế mà chưa đủ điều kiện xây dựng ngay thành luật, pháp lệnh; trước mắt, cần tiếp tục quy định giao Chính phủ ban hành nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban TVQH nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh, trừ trường hợp quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân và vấn đề khác theo quy định của Hiến pháp là phải ban hành dưới hình thức luật. Nhưng trước khi Chính phủ ban hành nghị định quy định những vấn đề này cần phải được sự đồng ý của Ủy ban TVQH.
Một số ý kiến khác đề nghị không giao Chính phủ ban hành loại nghị định này; trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình QH, Ủy ban TVQH ban hành luật, pháp lệnh theo quy trình rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()