Khai mạc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 19-1, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
Phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến thời điểm tổ chức Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại thủ đô Hà Nội vào tháng 3-2015. Ðây là sự kiện đối ngoại lớn nhất đất nước năm 2015, với sự tham dự của đại biểu hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới. Tại phiên họp lần này, Ủy ban TVQH sẽ rà soát lại chi tiết các hạng mục của công tác chuẩn bị cho IPU-132. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ xem xét một số dự án luật lớn mà phần lớn sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ chín tới, cho ý kiến một số vấn đề về công tác nhân sự.
Sáng qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi góp ý, đối với sinh viên đang học hệ chính quy không nên gọi nhập ngũ. Cho rằng việc gọi nghĩa vụ quân sự (NVQS) mà không “nới” độ tuổi là khó, đại biểu đề xuất kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27, thay vì 25 như hiện nay. Quy định theo hướng mới nhằm tận dụng hiệu quả công tác đào tạo, giáo dục cũng như quá trình học tập của cá nhân. Ðồng thời, sẽ cung cấp lực lượng tham gia NVQS có chuyên môn, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại. Ðồng tình việc thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi NVQS, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước nêu, nếu đi NVQS hai năm, khi hoàn thành quay lại trường các em sẽ quên kiến thức.
Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của QH Nguyễn Kim Khoa, phương án kéo dài tuổi gọi nhập ngũ đến 27 tuổi sẽ mở rộng đối tượng, gây khó khăn cho việc gọi nhập ngũ.
Buổi chiều, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HÐND. Ðại biểu Ksor Phước đề nghị qua thực tiễn, cấp HÐND tại không ít địa phương hoạt động còn mang tính hình thức, hạn chế các quyền của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Dự thảo luật cần khắc phục được những vấn đề hạn chế, khó khăn cũng như nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong và sau hoạt động giám sát. Một số ý kiến đại biểu nêu việc đổi mới hoạt động giám sát của QH, HÐND cần phải tiến hành đồng bộ và phù hợp với những đổi mới về tổ chức bộ máy của QH, HÐND, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Ðồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương…
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, hoạt động giám sát thời gian qua còn ở mức “theo dõi, xem xét, đánh giá”, dự thảo luật lần này cần bổ sung nội dung xử lý vi phạm như thế nào, để hoạt động giám sát đi vào thực chất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của việc giám sát. Nhiều đại biểu đề nghị giám sát tối cao phải thể hiện được uy quyền của QH, cần phải được thiết kế rõ nội hàm trong dự thảo luật. Qua đó, QH cần lựa chọn giám sát tối cao những vấn đề hệ trọng, những vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm, và hệ quả pháp lý cũng phải tương xứng, được giải quyết tại QH, như quyền bãi miễn hoặc có thể thành lập Ủy ban đặc biệt để điều tra một số vấn đề lớn.
Hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về Tờ trình đề án tổng kết, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan tổ chức, hoạt động của QH, các cơ quan của QH, đại biểu QH và Ðoàn đại biểu QH; cho ý kiến về các vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Thú y (sửa đổi).
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()