Khai mạc phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến bốn dự án luật
Ngày 14-7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên họp thứ 29 để cho ý kiến về một số dự án luật; tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp thứ bảy và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ðây là phiên họp khởi động các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám của QH khóa XIII, nhằm tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả việc thi hành Hiến pháp (sửa đổi), xem xét, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng. Sau kỳ họp thứ bảy, các Ðoàn đại biểu QH đã triển khai tốt việc tiếp xúc cử tri, thông báo kết quả kỳ họp đến cử tri và đồng bào cả nước.
Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của hai dự án: Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch. Ðối với dự thảo Luật Căn cước công dân đã được tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp thứ bảy vừa qua theo hướng hoàn chỉnh lại bố cục dự thảo cho phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh. Trong đó, dự thảo xây dựng một chương riêng về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề liên quan cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn việc ghi vào căn cước những loại thông tin ngắn hạn, thường xuyên thay đổi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, giải trình một cách cụ thể, rõ ràng hơn, dự báo được tác động từ việc áp dụng triển khai dự án luật này. Việc ban hành Luật Căn cước công dân cần theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp, giảm các thủ tục hành chính… Việc cập nhật dữ liệu căn cước công dân phải được cập nhật trực tuyến, kết nối liên ngành, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin, bảo đảm liên thông, chính xác.
Liên quan dự án Luật Hộ tịch, nhiều ý kiến cho rằng, giữa hộ tịch và căn cước công dân có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch là những sự kiện quan trọng của công dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ liên quan quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Còn căn cước công dân là để phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực an ninh, bảo đảm TTATXH. Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch như dự án Luật đã trình QH. Một số ý kiến cũng đề nghị, hiện nay, việc tin học hóa công tác hộ tịch tại các địa phương còn có sự khác nhau về trình độ, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị…, do đó khi xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cần bảo đảm kế thừa, tận dụng tối đa những cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vật chất sẵn có để tiết kiệm, tránh lãng phí…
Chiều qua, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()