Khai mạc Ngày cà-phê Việt Nam năm 2019
Quang cảnh lễ khai mạc Ngày cà-phê Việt Nam lần thứ 3, tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, Gia Lai.
Đây là lần thứ ba sự kiện do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức sau hai lần trước đó tổ chức mang lại nhiều thành công tại hai địa phương Lâm Đồng và Đăk Nông.
Tham dự sự kiện này có đại diện Hiệp hội Cà-phê – Ca-cao Việt Nam, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam; 200 doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến và kinh doanh cà-phê trên cả nước; đại điện các doanh nghiệp kinh doanh cà-phê nước ngoài như: Tổ chức Cà-phê quốc tế (ICO), Hiệp hội Cà-phê Trung Quốc (CCA) và các doanh nghiệp hội viên; Liên đoàn Cà-phê Đông Nam Á (ACF), Hội đồng Xuất khẩu cà-phê Brazil, Hiệp hội Cà-phê chế biến Brazil; các Đại sứ, Tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam,…
Diễn văn khai mạc do ông Kpăh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Tổ chức cho biết: Ngày cà-phê Việt Nam lần này, không chỉ là cơ hội giao lưu, gặp gỡ kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp trồng, chế biến và kinh doanh cà-phê trong và ngoài nước, mà đây là lần đầu tiên tổ chức chương trình trải nghiệm pha chế, thử nếm… hứa hẹn sẽ mang đến những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà-phê Việt Nam, bản sắc văn hóa; sự hiếu khách của các dân tộc Tây Nguyên – nơi mệnh danh là thủ phủ của cây cà-phê…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Hiện, tổng diện tích cà-phê trên toàn lãnh thổ Việt Nam khoảng hơn 688 ngàn ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha cao gấp ba lần sản lượng cà-phê thế giới, là mặt hàng chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam, hằng năm mang về giá trị 3,4 tỷ USD. Chính Phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quan tâm đối với ngành cà-phê Việt Nam, đã có nhiều đề án như tái canh cây cà-phê, đề án nâng cao chất lượng mặt hàng cà-phê Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành cà-phê và Hiệp hội Cà-phê – Ca cao Việt Nam cần mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, mạnh dạn đổi mới công nghệ; bên cạnh đó, cần điều tra, rà soát quy hoạch vùng, xác định rõ những vùng thuận lợi chuyên canh cây cà-phê chuyên sâu nhằm nâng cao nâng cao chất lượng mặt hàng cà-phê xuất khẩu…
Khách tham quan sẽ được cảm nhận hương vị cà-phê từ những quầy phục vụ cà-phê miễn phí.
Diễn ra từ ngày 8-12 đến 10-12 với chủ đề “Văn hoá thưởng thức cà-phê”, các nhà tổ chức “Ngày cà-phê Việt Nam lần thứ 3” mong muốn tiếp tục thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung góp phần nâng cao giá trị và khẳng định vị thế cà-phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng và chế biến cà-phê.
Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay nhấn mạnh về văn hoá thưởng thức của người tiêu dùng và sẽ được tổ chức theo chuỗi các sự kiện: Không gian trưng bày gồm quy mô 111 gian hàng hội tụ các thương hiệu cà-phê uy tín với sự góp mặt của sáu tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam gồm: Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La; giới thiệu sản phẩm cà-phê, giống cà-phê và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gian hàng ẩm thực, gian hàng triển lãm, pha chế tại chỗ phục vụ miễn phí nhu cầu thưởng thức của du khách…
Dịp này, Ban tổ chức cũng dành thời gian, tổ chức cho các đại biểu tham quan các nhà máy sản xuất, mô hình phát triển cà-phê bền vữngtại vườn cà-phê tái canh thuộc Công ty cà-phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai); mô hình trồng cà-phê bền vững của Công ty TNHH Nestle Việt Nam (xã Ia Hrung, Ia Grai); tham quan vườn cà-phê và nhà máy chế biến cà-phê của công ty TNHH-MTV Vĩnh Hiệp (TP PleiKu); tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi, giao lưu, gặp gỡ, kết nối kinh doanh giữa các nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà-phê trong nước và thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()