Khai mạc Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế 2018, tối 26/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018.
Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoa hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc lần thứ 2 – Ảnh: VGP/Thế Phong |
Dự liên hoan có hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đoàn đến từ các đơn vị, tỉnh thành phố như: Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Nhà hát chèo Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên.
Liên hoan là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa, giới thiệu với công chúng và du khách về những giá trị của hát Văn, hát Chầu văn trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thờ Đức Thánh Trần của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liên hoan còn là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giới thiệu, quãng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng và cả nước nói chung trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Một tiết mục biểu diễn của đoàn tỉnh Thừa Thiên-Huế – Ảnh: VGP/Thế Phong |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cho biết, đây là lần thứ 2 Liên hoán hát Văn, hát Chầu văn được tổ chức kể từ khi được UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Đức Thánh Trần của người Việt trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016. Đây loại hình tín ngưỡng bản địa-một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo hội tụ các yếu tố như âm nhạc, trang phục, diễn xướng, múa. Sự sáng tạo phong phú của nhân dân đã làm nên biểu thức, cấu trúc, giai điệu, nhịp điệu đạt đến độ hoàn chỉnh làm say đắm lòng người, nội dung lời ca hết sức ý nghĩa gắn liền với truyền thống dân tộc lòng yêu nước đánh đuổi giặc ngoại xâm tinh thần tương thân tương ái, sự gắn kết cộng đồng. Vì vậy, nó có sức sống mãnh liệt, phát triển mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
“Việc tổ chức liên hoan là một trong những nội dung của chương trình hành động mà Bộ VHTT&DL đã đề ra để giữ gìn phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể này. Đây cũng là giải pháp cụ thể, thiết thực, để định hướng việc thực hành tín ngưỡng, tạo ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các vùng, miền.
Chúng tôi tin tưởng rằng với tài năng, tâm huyết và niềm đam mê của mình, các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ đem đến cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước nhiều chương trình, tiết mục hát Văn, hát Chầu văn đặc sắc, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên, góp phần vào thành công chung của Festival Huế 2018”, Phó Cục trưởng Nguyễn Công Trung, nhấn mạnh.
Liên hoan sẽ diễn ra đến hết ngày 28/4.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()