Khai mạc Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng
* Ra mắt Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội Kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, tối 8-10, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013 với chủ đề "Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng" đã khai mạc tại Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội).
* Ra mắt Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội Kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, tối 8-10, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng” đã khai mạc tại Cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội).
Ðến dự, có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các ban, ngành ở Trung ương, Hà Nội cùng đông đảo nhân dân và khách tham quan.
Sau khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu ý kiến khai mạc Liên hoan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đã phát động chương trình Kích cầu du lịch Thu Ðông 2013. Tiếp theo, Thường trực Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam Lê Doãn Hợp đã trao lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội bằng công nhận ba món ăn Hà Nội đạt Kỷ lục ẩm thực châu Á gồm: Phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bún thang Hà Nội. Ðây là ba trong số 12 món ăn Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Liên hoan lần này thu hút 305 gian hàng của 164 đơn vị tham gia với 40 nghề truyền thống, bao gồm năm khu vực: triển lãm làng nghề; doanh nghiệp du lịch; hàng không; khu vực ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành phố; khu vực tổ chức các trò chơi dân gian và một số hoạt động giải trí. Trong thời gian liên hoan từ nay đến hết ngày 12-10, du khách sẽ được tham dự nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá các chương trình du lịch làng nghề tiêu biểu; giới thiệu tinh hoa nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội và các địa phương… Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra tọa đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống của Hà Nội” vào ngày 9-10.
* Ngày 8-10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Cầu Giấy. Ðây là Khu CNTT tập trung đầu tiên của Hà Nội và là khu thứ ba của cả nước. Trước đây, khu vực này là Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy, quy mô 8,35 ha, phục vụ nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận. Sau 12 năm, nơi đây đã phát triển thành tổ hợp văn phòng hiện đại với 29/36 tòa nhà hoàn chỉnh, thu hút 235 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có hơn mười nghìn lao động trong lĩnh vực CNTT. Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các phân khúc chức năng của khu, nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế tri thức. Ðồng thời, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch, lộ trình mở rộng, thu hút các doanh nghiệp, góp phần phát triển ngành CNTT.
* Sáng 8-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khởi công xây dựng dự án mở rộng, cải tạo đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng. Tuyến đường dài gần 2 km, điểm đầu giao với phố Vương Thừa Vũ, điểm cuối giao với đường Giải Phóng, được triển khai xây dựng theo quy mô đường đô thị chính cấp 2. Chiều rộng mặt đường từ 53,5 đến 57,5 m, trong đó phần đường xe chạy là 37,5 m, dải phân cách giữa rộng 4 m, vỉa hè mỗi bên rộng 6 m. Ngoài việc thi công, mở rộng đường, dự án còn thi công cầu qua sông Lừ dài 35 m, chiều rộng 21 m; đồng thời thi công đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè dọc tuyến… Dự án có tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng, gồm bốn gói thầu. Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu thi công hai gói thầu xây lắp chính đã có mặt bằng sạch. Ðó là gói thầu số 1, thi công đường từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ và gói thầu số 4, thi công cầu qua sông Lừ. Gói thầu số 2, thi công đoạn đường Ngã Tư Vọng – sông Lừ và gói thầu số 3, thi công đoạn đường từ Tôn Thất Tùng đến Vương Thừa Vũ sẽ được triển khai vào quý I-2014. Công trình dự kiến hoàn thành và thông xe vào năm 2015.
* Cùng ngày, tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội (28 phố Hàng Buồm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm khai mạc triển lãm giới thiệu Ðề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội. Giãn dân khu phố cổ là chủ trương đã được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội thông qua nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu vực. Ðề án giãn dân phố cổ gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2015) tập trung di chuyển khoảng 1.530 hộ dân, bao gồm: Các hộ dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, các hộ dân sống trong một số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các số nhà do Nhà nước quản lý có mật độ sử dụng đất cao và các hộ dân có nguyện vọng di chuyển sang sống tại khu giãn dân. Giai đoạn 2 (từ năm 2015 đến 2020) sẽ di chuyển 5.020 hộ dân trong khu phố cổ sang khu giãn dân để bảo đảm mật độ dân số đến năm 2020 còn khoảng 500 người/ha. Triển lãm giới thiệu giá trị di sản khu phố cổ, đề án giãn dân phố cổ, dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ… để người dân có dịp tìm hiểu, đóng góp ý kiến. Triển lãm mở cửa đến ngày 31-12.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()