Khai mạc lễ hội xuân Xứ Lạng
LSO-Sáng nay (27/2 tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, Ban Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân và Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Lạng Sơn 2018 tổ chức khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng năm 2018 gắn với Lễ hội Bủng Kham. Dự khai mạc có các đồng chí: Tô Hùng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân và Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Lạng Sơn 2018; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố…
Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc lễ hội |
Năm nay, chương trình khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng được tổ chức gắn với Lễ hội Bủng Kham – một lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015 và cũng là lễ hội đặc sắc của nền văn minh nông nghiệp. Lễ hội Bủng Kham có quy mô lớn, mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là điểm mới trong Lễ hội xuân Xứ Lạng năm 2018.
Sau khai mạc lễ hội xuân 2018 sẽ là một chuỗi các lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tại buổi lễ, đồng chí Hồ Tiến Thiệu đã phát biểu và đánh trống khai hội. Đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, hoạt động thể dục thể thao và lễ hội trên địa bàn quản lý, đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn, tiết kiệm…
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai mạc lễ hội |
Nhân dịp này, UBND huyện Tràng Định đã được nhận bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lĩnh vực múa sư tử của người Tày- Nùng huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong chương trình Khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng 2018 đã diễn ra các hoạt động: Triển lãm Di sản văn hóa Xứ Lạng; giao lưu nghệ thuật quần chúng, hát then, sli ; hoạt động trưng bày mâm sản vật tượng trưng cho đặc sản của 24 thôn trên địa bàn xã Đại Đồng; cùng rất nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: đẩy gậy, đánh yến, kéo co, cờ người… Đặc biệt, hoạt động gieo cấy (còn gọi là gieo lộc) được thực hiện tại lễ hội với mong muốn cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no đầy đủ.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()