Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2016
Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái (Vụ Bản, Nam Định) nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam; và là một trong hai lễ hội lớn mang tầm quốc gia ở Nam Định gắn với câu ca “Tháng tám giỗ Cha, Tháng ba giỗ Mẹ”.
Sau nhiều năm được Nhà nước cho phép mở hội trở lại, chương trình Lễ hội Phủ Dầy đã được xây dựng, bổ sung khá hoàn chỉnh, ổn định. Qua đó khai thác và phát huy được nhiều giá trị văn hóa dân gian, giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ; lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống.
Rất đông du khách cùng người dân xã Kim Thái tham gia Lễ khai hội Phủ Dầy.
Với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú độc đáo như nghi lễ chầu văn, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội… Lễ hội Phủ Dầy đã đem đến cho du khách một bức tranh tổng thể đa màu sắc về đời sống văn hóa, tinh thần của làng quê Việt Nam. Cùng với quần thể di tích kiến trúc độc đáo, Lễ hội Phủ Dầy còn là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ của cộng đông cư dân người Việt.
Cùng với “Nghi lễ chầu văn của người Việt”, Lễ hội Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định đang phối hợp xây dựng Hồ sơ đề cử quốc gia “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình UNESCO xem xét, vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy được xem là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Lễ hội phủ Dầy năm nay diễn ra từ ngày 9 đến ngày 14-4 (tức ngày mồng ba đến mồng tám tháng ba năm Bính Thân).
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()