Tối 15-5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2010. Đây là một trong những hoạt động cấp Nhà nước kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ khai mạc, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện UBT.ƯMTTQ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng hàng nghìn cán bộ, nhân dân thành phố Vinh.
Tham gia Lễ hội Làng Sen năm 2010, ngoài tỉnh Nghệ An còn có hơn 20 đoàn nghệ thuật đến từ các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lai Châu, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng… Các đoàn nghệ thuật sẽ tham gia Cuộc thi Tiếng hát Làng Sen và biểu diễn nghệ thuật tại hơn 20 điểm phục vụ nhân dân thành phố Vinh và các huyện của tỉnh Nghệ An.
Sau diễn văn khai mạc của đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa và hoạt cảnh sân khấu hoành tráng có chủ đề “Hương Sen xứ Nghệ” với sự tham gia của 700 diễn viên chuyên nghiệp và học sinh, sinh viên, tái hiện những mốc chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: Từ lúc niên thiếu, ra đi tìm đường cứu nước và bước đường gian lao giành lại độc lập, tự do cho đất nước; tình cảm của Bác với quê hương; tình cảm của nhân dân Nghệ An với Bác. Kết thúc buổi lễ là màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời thành phố Vinh.
Trong dịp này, tại thành phố Vinh và huyện Nam Đàn diễn ra nhiều hoạt động phong phú kỷ niệm Ngày sinh của Bác như: tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Kim Liên; Diễu hành, rước ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ về Kim Liên; mít-tinh kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khai mạc Hội trại thanh niên làm theo lời Bác; Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về đề tài Bác Hồ; tổ chức tuần phim về Bác Hồ…
* Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng, Đảng ủy ngoài nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia III phối hợp tổ chức triển lãm “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”. Đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm.
Triển lãm giới thiệu với công chúng Thủ đô gần 400 tài liệu, hiện vật, phim, ảnh… được lựa chọn từ các kho lưu trữ Trung ương, kho cơ sở của các bảo tàng, nhất là của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều tài liệu, hiện vật quý lần đầu được giới thiệu đã giúp người xem hiểu rõ hơn những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Các tài liệu, hiện vật thể hiện bốn nội dung: Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc; Hồ Chí Minh – Nhà văn hóa kiệt xuất; Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại; Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Triển lãm cũng dành một phần quan trọng giới thiệu những tài liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và ngoài nước; hồi ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người vinh dự được gặp Bác… Mỗi tài liệu, hiện vật, kỷ vật là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương, trân trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người dân Việt Nam, đồng thời là bằng chứng sinh động về tình cảm kính yêu của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ. Triển lãm còn giới thiệu những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Triển lãm diễn ra đến ngày 15-8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Đảng ủy ngoài nước đã thông báo kết quả sau một năm phát động Cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí và sưu tầm tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở ngoài nước”. Cuộc vận động đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng với 62 tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí của các tác giả là người Việt Nam và người nước ngoài; 17 vật phẩm gồm ảnh, sách, tranh, tác phẩm điêu khắc, đĩa CD…
* Ngày 15-5, Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí tỉnh Phú Thọ sơ kết và trao giải cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Sau hai năm phát động, đã có hơn 600 tác phẩm thuộc thể loại văn học, nghệ thuật, báo chí, phim tài liệu, phóng sự truyền hình về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đăng tải trên các cơ quan báo chí của tỉnh; nhiều tác phẩm đã chú trọng việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ các điển hình tập thể và cá nhân có nhiều việc làm tích cực theo gương sáng của Bác; tập trung đi sâu vào việc tuyên truyền thực hiện việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố điển hình trong Cuộc vận động.
Ban tổ chức đã trao 46 giải, trong đó có hai giải A, bốn giải B, 12 giải C và 28 giải khuyến khích.
* Cục Văn hóa cơ sở phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An vừa tổ chức triển lãm tranh cổ động với chủ đề “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Triển lãm trưng bày 120 tác phẩm tranh cổ động tấm lớn tại Quảng trường Hồ Chí Minh, 134 tranh cổ động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh là những tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 35 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam và kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Ngày 14-5, Nhà văn hóa phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Tem bưu chính Việt Nam mang chủ đề “Người là niềm tin tất thắng”. Triển lãm giới thiệu một số bộ tem bưu chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hành như: Tem bưu chính Việt Nam về Bác Hồ từ năm 1976 đến năm 1990; Bác Hồ và cuộc kháng chiến thần thánh; Đường Trường Sơn – Con đường mang tên Bác; Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Tem bưu chính Việt Nam; Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam; Bác Hồ với nhân dân… Tem in hình ảnh và những địa danh gắn bó với cuộc đời và hoạt động của Bác.
* Chiều 14-5, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã khai mạc triển lãm “Quan hệ Việt – Lào trong thời đại Hồ Chí Minh” tại Thủ đô Viêng Chăn, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến dự có đồng chí: Xổm-xa-vạt Lêng-xa-vát, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu.
Triển lãm giới thiệu 120 tấm ảnh và tài liệu về quan hệ hữu nghị Việt – Lào, gồm những hình ảnh hoạt động hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực chính trị kinh tế – văn hóa – xã hội, nhằm gìn giữ và phát triển mối quan hệ vì lợi ích của hai dân tộc. Triển lãm được trưng bày với ba không gian: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người gây dựng nền móng tình hữu nghị đoàn kết Việt – Lào; Quan hệ Việt – Lào qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc (1945-1975) và Quan hệ Việt – Lào từ năm 1975 đến nay. Triển lãm mở cửa đến ngày 30-5.
* Ngày 13-5, tại giảng đường Trường đại học Hồi giáo quốc tế I-xla-ma-bát ở Pa-ki-xtan, Ban giám hiệu nhà trường và Hội Hữu nghị Pa-ki-xtan-ASEAN phối hợp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Khoa học công nghệ Pa-ki-xtan, Tiến sĩ Mô-ham-mát A-dam Khan Xva-ti phát biểu ý kiến, ca ngợi cuộc đời cách mạng kiên cường, ý chí bất khuất chống ngoại xâm và những giá trị nhân văn cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại tiến bộ. Hiệu trưởng nhà trường, Giáo sư, Tiến sĩ Hút-xên A-mát Pi-ra-cha ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc đấu tranh vì tự do và độc lập ở mọi thời đại. Ông khẳng định, câu nói của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn giữ nguyên giá trị thời đại đối với các dân tộc đang phấn đấu vì hòa bình và phát triển.
* Chiều 14-5, Hội Hữu nghị Nga – Việt phối hợp Chính quyền TP Mát-xcơ-va và Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức giới thiệu cuốn sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”. Cuốn sách dày 160 trang khổ A4, in mầu, bìa cứng gồm các bài viết, hồi ức của 16 tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà ngoại giao, nhà Việt Nam học của Nga đã được gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một phần cuốn sách là một số bức ảnh quý hiếm về Người qua các thời kỳ hoạt động.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt Bu-i-a-nốp nêu rõ, cuốn sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh” thể hiện tình cảm sâu đậm và nồng ấm của các tác giả về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn gần gũi của nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga, người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị Nga – Việt. Ông hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho các bạn đọc Nga, nhất là các nhà Việt Nam học trẻ tuổi, những hiểu biết về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Ý kiến ()