Khai mạc Lễ hội Đồng Đăng và đón nhận Bằng công nhận Địa điểm Thủy Môn Đình đạt Di tích lịch sử cấp Quốc gia
Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu tham dự buổi lễ
– Sáng 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão), UBND huyện Cao Lộc tổ chức khai mạc Lễ hội Đồng Đăng và đón nhận Bằng công nhận địa điểm Thủy Môn Đình đạt Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Dự buổi lễ có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng đông đảo người dân và du khách.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận Địa điểm Thủy Môn Đình đạt Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc và thị trấn Đồng Đăng
Thủy Môn Đình là điểm di tích lịch sử có giá trị tiêu biểu, thể hiện rõ ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền nơi biên giới của Đô Tổng binh sứ ty, Bắc quân Đô đốc phủ, Hữu Đô đốc tướng Thao quận công Nguyễn Đình Lộc trong quá trình trông coi, bảo vệ vùng biên ải của Tổ quốc. Với ý nghĩa lịch sử to lớn được thể hiện trong nội dung văn bia, di tích Nhà Bia Thủy Môn Đình đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 2/10/2002.
Màn múa lân sư rồng đặc sắc tại lễ hội
Đến năm 2015, bia Thủy Môn Đình nằm trong di tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ngày 29/6/2021, di tích lịch sử địa điểm Thủy Môn Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Di tích lịch sử địa điểm Thủy Môn Đình có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với tỉnh Lạng Sơn mà đối với cả nước, là niềm tự hào lớn của di sản Văn hóa Xứ Lạng và dân tộc.
Đông đảo người dân tham gia hoạt động kéo co tại ngày hội
Trong khuôn khổ chương trình, thừa ủy quyền của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận địa điểm Thủy Môn Đình đạt Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lộc.
Đông đảo người dân tham gia trò chơi tại ngày hội
Tiếp đó là phần khai mạc lễ hội Đồng Đăng. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngay sau tiếng trống khai hội, nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền đã diễn ra như: múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu các môn thể thao đẩy gậy, kéo co, nhảy bao…và hoạt động ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc sản tiêu biểu của Xứ Lạng như: lợn quay, vịt quay, khau nhục….
Năm nay, lễ hội diễn ra trong tiết trời đẹp nên đã thu hút nhiều người dân, du khách thập phương đến tham quan, trẩy hội.
Ý kiến ()