Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội XV
– Sáng 15/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể, quyết định 4 nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham dự kỳ họp gồm có 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội XV được tổ chức nhằm kịp thời bàn thảo, quyết định những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, các tổ chức tín dụng và kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Sau lễ khai mạc, Quốc hội đã họp phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã nêu 1 số ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đại biểu, Điều 16 Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào đã quy định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào; có chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào. Khoản 5, khoản 6 Điều này giao trách nhiệm cho chính quyền cấp tỉnh quyết định phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; khoản 9 Điều này lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong Hồ sơ trình Kỳ họp bất thường này lại chưa có Dự thảo văn bản quy định chi tiết của Chính phủ. Trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 thì không có quy định về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, chính sách đất đai đối với đồng bào là nội dung cơ bản của Chính sách dân tộc. Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp thì Quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất cho đồng bào tại Điều 16 (ví dụ như các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất…) làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.
Về thu hồi đất, đại biểu nhất trí với việc liệt kê cụ thể các trường hợp quy định tại Điều 79 của Dự thảo Luật cũng như nhất trí với các căn cứ, điều kiện thu hồi đất tại Điều 80 của Dự thảo Luật. Theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế – xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện, đó là: phải là trường hợp thật cần thiết; phải do luật định và phải vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “thật cần thiết” vào phần mở đầu của Điều 79 Dự thảo Luật.
Về hiệu lực thi hành, Điều 252 Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Theo quy định này, thời điểm có hiệu lực của Khoản 6 Điều 190 về việc giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển và quy định tại Điều 248 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp được dự kiến có hiệu lực trước 1/1/2025. Đại biểu nhất trí với việc áp dụng quy định trở về trước đối với nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị giải thích rõ căn cứ và đánh giá tác động đối với quy định tại khoản 6 Điều 190 về việc giao khu vực biển. Đồng thời, đề nghị xác định cụ thể thời gian hồi tố trong khoản 2 Điều 252 Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát lại quy định tại khoản 4 Điều 252 khi dự kiến giữ lại hiệu lực của một số điều khoản trong Luật Đất đai 2013.
Về quy định chuyển tiếp, Dự thảo Luật có 7 điều quy định về chuyển tiếp từ Điều 253 đến Điều 259. Ngoài ra, Điều 260 quy định 15 trường hợp chuyển tiếp và khoản 16 Điều này giao Chính phủ quy định các trường hợp chuyển tiếp khác sau khi có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Quy định về chuyển tiếp có tác động lớn đến quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ đất đai, nhất là quyền của người sử dụng đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị xét bỏ quy định tại khoản 16 Điều 260 của Dự thảo Luật. Đồng thời, rà soát lại các quy định về chuyển tiếp để chỉ đưa vào Luật các quy định áp dụng dài hạn cùng với thời gian có hiệu lực của Luật. Các quy đinh còn lại, áp dụng trong một thời gian ngắn, có tính chất thí điểm (ví dụ gắn với thời hạn thuê hoặc giao đất) thì đưa vào Nghị quyết thi hành Luật. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh gía kỹ, nếu cần thiết thì sớm xây dựng Dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Đất đai 2024 để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 bảo đảm thời gian có hiệu lực cùng với Luật; Chính phủ khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết để các quy định của Luật Đất đai mới sớm đi vào cuộc sống.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nội dung của dự thảo luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Do đây là dự án luật lớn, đồ sộ, phức tạp, nên có ý kiến đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các Chương, Điều, khoản trong luật.
Buổi chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ý kiến ()