Khai mạc Hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á lần thứ 44
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiếnNgày 5-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB44) chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam; Chủ tịch ADB Ha-rư-hi-cô Cư-đô-ra, đông đảo các chuyên gia, học giả, nhà quản lý, lãnh đạo chính phủ các nước thành viên ADB, các Thống đốc Ngân hàng T.Ư, Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính, lãnh đạo các tập đoàn tài chính và doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế... đến từ 67 quốc gia thành viên của ADB.ADB44 mang chủ đề 'Tương lai châu Á: Thách thức khu vực, trách nhiệm toàn cầu', là dịp để Thống đốc Ngân hàng T.Ư các nước thành viên thảo luận, thông qua định hướng hoạt động, công tác quản trị, tài chính của ADB; đồng thời là cơ hội để quan chức cao cấp gặp gỡ và đưa ra các tư...
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến
Ngày 5-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB44) chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam; Chủ tịch ADB Ha-rư-hi-cô Cư-đô-ra, đông đảo các chuyên gia, học giả, nhà quản lý, lãnh đạo chính phủ các nước thành viên ADB, các Thống đốc Ngân hàng T.Ư, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính, lãnh đạo các tập đoàn tài chính và doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế… đến từ 67 quốc gia thành viên của ADB.
ADB44 mang chủ đề 'Tương lai châu Á: Thách thức khu vực, trách nhiệm toàn cầu', là dịp để Thống đốc Ngân hàng T.Ư các nước thành viên thảo luận, thông qua định hướng hoạt động, công tác quản trị, tài chính của ADB; đồng thời là cơ hội để quan chức cao cấp gặp gỡ và đưa ra các tư vấn chính thức và không chính thức nhằm định hình các chính sách và chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là cơ hội cho chính phủ các nước thành viên đối thoại với các cán bộ của ADB, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các cơ quan truyền thông, đại diện các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân; đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa ADB và các nước thành viên, đặc biệt là nước chủ nhà cũng như các đối tác phát triển và các bên liên quan.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, cho biết: Việt Nam tiếp tục ủng hộ ADB thực hiện chiến lược đến năm 2020 và hỗ trợ các thành viên vượt qua nghèo đói, tập trung đầu tư vào năm lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, môi trường, hội nhập khu vực, phát triển khu vực tài chính và giáo dục. Với tư cách là tổ chức tài chính khu vực, ADB cần khẳng định lại cam kết của mình trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, cam kết cung cấp các nguồn lực cần thiết cho các nước thành viên vì mục tiêu bảo vệ các nhóm người dân dễ bị tổn thương và nghèo nhất thông qua tạo cơ hội việc làm và các biện pháp hỗ trợ thu nhập, đẩy mạnh tăng trưởng, đầu tư, giáo dục. ADB cần hành động để bảo đảm các quỹ cứu trợ của mình có thể thích ứng nhanh chóng, hỗ trợ các thành viên ngăn chặn những rủi ro của suy giảm kinh tế. Việt Nam mong muốn ADB sẽ nỗ lực phối hợp cùng các tổ chức tài chính quốc tế khác để đưa ra một cảnh báo rủi ro sớm đối với kinh tế vĩ mô và khu vực tài chính, đề xuất các hành động cần thiết để xử lý những rủi ro này, từ đó tăng cường vai trò giám sát hệ thống tài chính khu vực nói riêng và quốc tế nói chung. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá cao sự trợ giúp tích cực của ADB trong những năm qua đối với công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việc Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức hội nghị thường niên ADB là cơ hội để đánh giá đầy đủ, toàn diện về những nỗ lực hoạt động của ADB trong thời gian qua, quyết định phương hướng hoạt động trong thời gian tới với nhiều sáng kiến mới hiệu quả vì mục tiêu hợp tác và phát triển, đồng thời tăng cường quan hệ giữa ADB với các nước thành viên cũng như với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác.
Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian qua, các nước G-20 và các định chế tài chính quốc tế đã nỗ lực hợp tác và trợ giúp các nước thành viên vượt qua nhiều tác động của cuộc khủng hoảng. Những hành động và cam kết được đưa ra đã có tác động tích cực đối với sự phục hồi kinh tế của mỗi nước. Do đó, các nước cần tiếp tục xây dựng những sáng kiến, nỗ lực hợp tác quốc tế thiết thực, phù hợp để cùng chung tay góp sức vượt qua những khó khăn và thách thức, trong đó cần bảo đảm tiếng nói và lợi ích cho những nước nghèo và đang phát triển. Hội nhập và hợp tác khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng và bổ trợ lẫn nhau cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam mong muốn ADB đóng vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy hội nhập, hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực, đóng góp thiết thực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực cải cách và hoạt động của ADB, cam kết ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực các hoạt động do ADB khởi xướng vì mục tiêu phát triển một châu Á không đói nghèo. ADB cần tập trung vào những nhiệm vụ, thách thức chung đang nổi lên của khu vực và toàn cầu như tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho Việt Nam. Tính đến tháng 3-2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, là nguồn lực quý báu phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ cam kết mạnh mẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và hiệu quả cao nhất nguồn vốn quý báu này của ADB. Việt Nam tin tưởng vững chắc vào con đường hướng tới mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững vì luôn có một người bạn đồng hành thật sự là ADB. Giới thiệu với hội nghị những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng cũng lưu ý: Việt Nam vẫn là một nước nghèo, do đó, trong chặng đường phát triển phía trước còn nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực lớn lao và phối hợp hiệu quả, các nước sẽ tạo nên sức mạnh to lớn cùng vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai phồn vinh và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển của thế giới.
Chủ tịch ADB H.Cư-đô-ra phát biểu ý kiến nêu bật vai trò của châu Á có thể làm đầu tàu về sự phát triển năng động, bền vững hơn nếu như dám đương đầu với các thách thức trung và dài hạn với quyết tâm mạnh mẽ. Chủ tịch ADB nhấn mạnh các yếu tố quan trọng nhằm phát huy tiềm năng của khu vực: có những nhà lãnh đạo kiệt xuất với khả năng điều hành quản trị đất nước; tăng thêm quyền cho người nghèo và có các thể chế bảo đảm sự bình đẳng và quyền công dân; xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội; học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các khu vực đang phát triển khác; tăng cường 'hợp tác Nam-Nam' để thúc đẩy tăng trưởng khu vực châu Á; đầu tư vào đổi mới công nghệ và phát triển các doanh nghiệp; áp dụng một mô hình tăng trưởng xanh; ứng phó với các thách thức toàn cầu như giá cả hàng hóa tăng cao, thiếu hụt lương thực, nước sạch, năng lượng…
Theo Nhandan
Ý kiến ()