Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ lần thứ 6
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ sáu của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã khai mạc ngày 14/4 tại thành phố Cartagena de Indias (Côlômbia), với sự tham dự của 32 trên tổng số 34 nhà lãnh đạo của các nước thành viên.Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo của châu lục sẽ thảo luận các vấn đề trọng tâm của khu vực như chống đói nghèo, thảm họa thiên nhiên, an ninh khu vực-quốc tế, sự hội nhập của châu Mỹ và việc tiếp cận-sử dụng công nghệ. Ngoài ra, một số vấn đề nổi bật khác có thể được đưa ra thảo luận gồm sự tham dự của Cuba tại các hội nghị tiếp theo của khối, cuộc chiến chống ma túy và chủ quyền của Áchentina đối với quần đảo Malvinas (hiện bị Anh chiếm đóng).Theo xác nhận của các ngoại trưởng của Áchentina, Vênêxuêla và Uruguay, do sự phủ quyết của Mỹ và Canađa đối với hai điểm trong dự thảo tuyên bố chung liên quan tới Cuba trong cuộc họp giữa các Ngoại trưởng, nên Hội nghị OAS lần này sẽ không có tuyên bố chung.Hai nguyên thủ vắng mặt trong...
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ sáu của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã khai mạc ngày 14/4 tại thành phố Cartagena de Indias (Côlômbia), với sự tham dự của 32 trên tổng số 34 nhà lãnh đạo của các nước thành viên.
Trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo của châu lục sẽ thảo luận các vấn đề trọng tâm của khu vực như chống đói nghèo, thảm họa thiên nhiên, an ninh khu vực-quốc tế, sự hội nhập của châu Mỹ và việc tiếp cận-sử dụng công nghệ.
Ngoài ra, một số vấn đề nổi bật khác có thể được đưa ra thảo luận gồm sự tham dự của Cuba tại các hội nghị tiếp theo của khối, cuộc chiến chống ma túy và chủ quyền của Áchentina đối với quần đảo Malvinas (hiện bị Anh chiếm đóng).
Theo xác nhận của các ngoại trưởng của Áchentina, Vênêxuêla và Uruguay, do sự phủ quyết của Mỹ và Canađa đối với hai điểm trong dự thảo tuyên bố chung liên quan tới Cuba trong cuộc họp giữa các Ngoại trưởng, nên Hội nghị OAS lần này sẽ không có tuyên bố chung.
Hai nguyên thủ vắng mặt trong Hội nghị OAS lần này gồm có Tổng thống Êcuađo Raphaen Côrêa (Rafael Correa) (không tham dự vì ủng hộ Cuba) và Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết (Hugo Chavéz) (không tham dự vì lý do sức khỏe). Cuộc chiến chống ma túy và việc không mời Cuba tham dự hội nghị đã trở thành hai vấn đề nóng, gây chia rẽ các nước thành viên.
P hát biểu khai mạc hội nghị ngày 14/4, Tổng thống nước chủ nhà Hoan Manuên Xantốt (Juan Manuel Santos) đã công khai chỉ trích cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba là “lỗi thời” và cho rằng việc Cuba tiếp tục vắng mặt tại hội nghị OAS là điều “không thể chấp nhận được”. Với việc Côlômbia, một đồng minh thân cận của Mỹ tại Mỹ Latinh, cũng chính thức lên tiếng phản đối cuộc bao vây cấm vận cho thấy sự đồng thuận hoàn toàn của tất cả các nước Mỹ Latinh trong việc ủng hộ Cuba. Theo Tổng thống Xantốt, các nước Mỹ Latinh không thể thờ ơ trước tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế ở Cuba và những thay đổi tích cực hiện nay tại quốc đảo này cần phải được ủng hộ vì sự phồn vinh của nhân dân Cuba. Tổng thống Xantốt đã hối thúc OAS thông qua chính sách mới đối với Cuba nhằm chấm dứt thói quen “cô lập, cấm vận và bàng quan” kéo dài hàng thập kỷ qua.
Là một trong số các quốc gia sáng lập OAS, song vì các lý do chính trị, Cuba đã bị khai trừ khỏi tổ chức này từ năm 1962. Đến năm 2009, OAS đã bỏ phiếu khôi phục tư cách thành viên của Cuba song La Habana (Havana) vẫn không thể tham gia OAS khi Mỹ cho rằng Cuba không phải là một nền dân chủ theo Hiến chương OAS.
Liên quan tới cuộc chiến chống ma túy trong khu vực, Tổng thống Xantốt cũng kêu gọi cần phải bắt đầu thảo luận về những sự lựa chọn khác trong cuộc chiến này vì buôn bán ma túy đang là một tệ nạn nhức nhối ở khu vực bất chấp nỗ lực của các nước. Ông chỉ rõ, hội nghị lần này có thể không giải quyết được vấn đề buôn bán ma túy, nhưng có thể sẽ là điểm khởi đầu để các nước thảo luận các biện pháp cần thiết.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Mỹ cũng đã gặp nhau bên lề hội nghị để thảo luận về đề xuất của Goatêmala trong việc cân nhắc việc hợp pháp hóa vấn đề tiêu thụ ma túy đường phố. Tuy nhiên, tất cả các nước đều không đạt được đồng thuận chung trong vấn đề này.
Ma túy đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng ở Mỹ Latinh, không chỉ bởi những vụ thanh trừng giữa các băng nhóm mà còn do tình trạng bạo lực sau khi sử dụng ma túy trong xã hội ngày càng gia tăng. Từ năm 2000 đến nay, với sự tài trợ của Mỹ, Côlômbia đã chi cho cuộc chiến chống ma túy mỗi năm 8 tỷ USD song vẫn không thể tiêu diệt được tận gốc các băng đảng ma túy tại nước này. Trong khi đó, tại Mêhicô, đã có trên 50.000 người thiệt mạng trong 5 năm qua liên quan tới ma túy. Khi Chính phủ Mêhicô mạnh tay trấn áp thì các băng đảng ma túy lại đang có dấu hiệu chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Trung Mỹ, nơi mà chính phủ có ít nguồn lực hơn để đấu tranh chống loại tội phạm này.
Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề quan trọng khác của khu vực như chống đói nghèo, thảm họa thiên nhiên, an ninh khu vực-quốc tế, sự hội nhập của châu Mỹ và việc tiếp cận-sử dụng công nghệ và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 15/4 . Tuy nhiên, nhiều khả năng hội nghị lần này sẽ kết thúc mà không có tuyên bố chung.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()