Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh khí hậu: Nhiều nước lớn cam kết cắt giảm khí thải
Tối 22-4, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia nhằm cố gắng thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Mở đầu Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kéo dài hai ngày, Tổng thống Biden đã công bố mục tiêu của Mỹ cắt giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005. “Đây là thập kỷ chúng ta phải đưa ra các quyết định để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu”, ông Biden tuyên bố trong phát biểu khai mạc Hội nghị từ Nhà trắng.
Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta phải cố gắng giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5 độ C. Thế giới vượt quá 1,5 độ C đồng nghĩa với việc hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và bão dữ dội thường xuyên hơn, phá vỡ các cộng đồng, cướp đi sinh mạng và sinh kế”.
Mỹ hy vọng rằng kế hoạch mới đầy tham vọng của họ sẽ khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác tiến xa hơn trước cuộc họp quan trọng của COP26, tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố mục tiêu cao “hàng đầu thế giới” của nước này là cắt giảm 78% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2035.
Anh đóng vai trò quan trọng trong năm nay với tư cách là Chủ tịch của COP26, và được giao nhiệm vụ đạt được thỏa thuận ở Glasgow.
Tại Hội nghị thượng đỉnh này, ông Johnson gọi tuyên bố của Tổng thống Biden về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ là “thay đổi cuộc chơi”.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người vừa đến thăm Tổng thống Biden tại Nhà trắng trong tháng này, đã nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản từ mức 26% lên 46% vào năm 2030.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nâng mục tiêu của đất nước mình cắt giảm khí thải từ 30% lên mức 40-45% vào năm 2030, thấp hơn mức năm 2005.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công bố mục tiêu phát thải mới, nhưng ông cho biết Trung Quốc hy vọng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Trung Quốc sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2025 đến năm 2030. Trung Quốc, quốc gia đi đầu trong công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, vẫn phụ thuộc nhiều vào than để phát điện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ưu đãi đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch, nhưng cũng thể hiện rõ rằng Mỹ là nước gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới trong lịch sử.
Lãnh đạo các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, như Antigua và Barbuda và Cộng hòa Quần đảo Marshall, cũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh.
Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Một quan chức chính quyền Biden cho biết, với mục tiêu mới của Mỹ, cam kết tăng cường từ Nhật Bản, Canada, và các mục tiêu trước đó từ Liên minh châu Âu và Anh, các quốc gia chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới hiện đã cam kết cắt giảm để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Tại phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ vui mừng về việc Mỹ đã trở lại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ý kiến ()