Khai mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2010
Ngày 7-12, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2010 (Hội nghị CG 2010) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cùng các thành viên của Chính phủ Việt Nam, đại diện của các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ.Diễn ra trong hai ngày 7 và 8-12-2010, Hội nghị CG năm nay tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng như tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 và định hướng cho năm 2011; vấn đề quản trị công, minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước; quản trị và phòng, chống tham nhũng; năng lực cạnh tranh của Việt Nam, biến đổi khí hậu; định hướng giảm nghèo; hiệu quả viện trợ; quan hệ đối tác phát triển...Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ, năm 2010, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự giúp...
Diễn ra trong hai ngày 7 và 8-12-2010, Hội nghị CG năm nay tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng như tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 và định hướng cho năm 2011; vấn đề quản trị công, minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước; quản trị và phòng, chống tham nhũng; năng lực cạnh tranh của Việt Nam, biến đổi khí hậu; định hướng giảm nghèo; hiệu quả viện trợ; quan hệ đối tác phát triển…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ, năm 2010, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự giúp đỡ và hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp to lớn của các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Việt Nam đã ngăn chặn được suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tốt hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn… Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2010 đạt khoảng 6,7%. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 – 2010 đạt khoảng 7% và GDP bình quân đầu người khoảng 1.160 USD. Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Bước vào năm 2011, Việt Nam còn phải vượt qua các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới để đạt được các mục tiêu là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, bà V.Qua Qua, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam chúc mừng những thành công của Việt Nam thời gian qua và cho rằng những thành công đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bà V.Qua Qua đề xuất, trong thời gian tới Việt Nam cần có những đánh giá thẳng thắn hơn nữa về năng lực cạnh tranh cũng như năng suất, hiệu quả đầu tư; tiếp tục đi sâu trong đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống HIV/AIDS… trong điều kiện Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Phát biểu kết luận tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Hội nghị CG, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện các văn kiện chiến lược 10 năm 2011 – 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 – 2015 với những đột phá quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ… Phó Thủ tướng cũng nêu 6 nhóm giải pháp quan trọng thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu đầu tư, tăng phúc lợi xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng nguồn nhân lực, củng cố an ninh trật tự, đối ngoại… Phó Thủ tướng đánh giá ODA trong thời gian tới vẫn là nguồn vốn quan trọng, và Việt Nam tăng cường thực hiện các cam kết với các đối tác, nâng cao hiệu quả ODA.
Cũng trong phiên khai mạc, tham luận của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế… đã nêu lên nhiều vấn đề về cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình; các vấn đề ưu tiên trong phát triển bền vững; quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng; bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống biến đổi khí hậu…
Các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác phát triển tốt đẹp với Việt Nam, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng như việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()