Khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ điện lực toàn quốc 2014
Với chủ đề “Năng lượng tái tạo và Lưới điện thông minh”, Hội nghị Khoa học và Công nghệ điện lực toàn quốc năm 2014 do Hội Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung phối hợp tổ chức đã được khai mạc tại TP Đà Nẵng vào sáng 6/11.
Quang cảnh Hội nghị Khoa học và Công nghệ điện lực 2014 |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Trong thời gian 3 ngày (từ 6-8/11), Hội nghị sẽ tập trung làm việc theo các chủ đề nguồn điện, truyền tải – phân phối và sản xuất kinh doanh điện, lưới điện thông minh và thị trường điện. Hội nghị là cơ hội để các đơn vị ngành điện, các nhà khoa và chuyên gia trao đổi thông tin về công nghệ điện lực, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý hệ thống điện và xây dựng thị trường điện tại Việt Nam.
Theo chương trình làm việc, ngay trong ngày đầu 6/11, Hội nghị họp phiên toàn thể; ngày 07/11 Hội nghị sẽ làm việc theo các phân ban; ngày 08/11 các đại biểu sẽ tham quan một số điểm tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng liên quan đến các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị gồm: Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, Nhà máy thủy điện A Vương, Xưởng Sản xuất công tơ điện tử (EVNCPC) và Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịchHội Điện lực Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ trong toàn ngành điện thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, tự giải quyết nhiều vấn đề lớn về khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo về nguồn điện cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Trong đó, điển hình là tại thủy điện Sơn La và Lai Châu, sau khi hoàn thành công trình thủy điện Sơn La lớn nhất cả nước sớm hơn kế hoạch 2 năm, nhà máy thủy điện tiếp theo trên bậc thang sông Đà – thủy điện Lai Châu với công suất 1.200 MW đang trong thời gian thi công nước rút với mục tiêu đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào cuối năm 2015 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2016. Nhiều công trình nhiệt điện lớn cũng đang được gấp rút triển khai và hoàn thành nhằm đáp ứng đầy đủ điện năng trong toàn quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Cũng theo ông Minh, cùng với những nỗ lực trên, hệ thống truyền tải điện siêu cao áp thời gian qua đã được mở rộng liên tục, mạch 500 kV thứ 3 (Tây Nguyên – TP. Hồ Chí Minh) đã được hoàn thành; vành đai 500 kV quanh thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang từng bước hoàn thiện. Tiêu chí lưới điện thông minh được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quy hoạch và phát triển các công trình lưới điện.
Bên cạnh đó, hoạt động phân phối và kinh doanh điện năng theo hướng thị trường cạnh tranh cũng đang được hiện đại hóa. Đặc biệt, hạ tầng đo đếm, xử lý thông tin, xuất hóa đơn và thanh toán tiền điện đã có nhiều cải tiến nhằm tăng năng suất lao động của các đơn vị phân phối điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng điện.
Ngoài ra, chất lượng điện năng, trong đó vấn đề nâng cao trình độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo an ninh hệ thống điện đã được các cấp, các ngành tiếp tục đặc biệt quan tâm. Trong năm 2014, ngành điện đã tổ chức chương trình đào tạo về chất lượng điện năng cho 5 lớp kỹ sư trong và ngoài nước với khoảng 250 học viên tham gia.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()