Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị
- Ngày 26/3, tại nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 2 đại biểu chuyên trách gồm: đại biểu Triệu Quang Huy, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Hội nghị sẽ cho ý kiến đối với 8 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Để hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục xem xét cơ sở chính trị của các dự thảo luật; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các công ước, hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời rà soát nội dung các dự án luật; cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau hoặc phương án khác nhau; rà soát những vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.
Quang cảnh hội nghị
Sau chương trình khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều ).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô sửa đổi
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Dự thảo luật đã dành Chương V từ Điều 44 đến Điều 47 quy định về liên kết, phát triển vùng. Đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào? Ranh giới ra sao? Do vậy, cần bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 45 quy định 4 lĩnh vực liên kết, phát triển vùng, gồm: hạ tầng giao thông vận tải; bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; phát triển nông nghiệp; phát triển du lịch. Theo dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, đây vừa là những lĩnh vực thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân, vừa bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương, qua đó góp phần tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, Nghị quyết số 30, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng xác định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành. Do đó, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung thêm các lĩnh vực khác để thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực liên kết vùng như đã xác định trong Nghị quyết số 30.
Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi). Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày.
Ý kiến ()