Cùng dự, có hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đến từ hơn 30 quốc gia khu vực châu Á và các nước có nền kinh tế phát triển; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các ngân hàng thương mại Việt Nam, ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam…
Việc lựa chọn Việt Nam lần thứ 2 đăng cai HNCC này – một sự kiện lớn và uy tín hàng đầu của ngành Ngân hàng khu vực châu Á khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều biến động và phục hồi chậm trong thời gian qua.
Hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế hiểu thêm và giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy quá trình thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện cho ngành tài chính ngân hàng, nhất là trong bối cạnh hội nhập quốc tế (HNQT) hiện nay.
Hội nghị diễn ra từ ngày 10 đến 12-5, trong đó có sáu hội thảo chuyên đề quan trọng, gồm: Hội thảo về những thách thức trong quản lý ngân hàng và các nhà quản lý ngân hàng; Hội thảo Giao dịch ngân hàng quốc tế; Hội nghị của các nhà hoạch định về công nghệ ngân hàng; Hội thảo Thách thức chuỗi cung cấp; Cơ sở hạ tầng các thị trường tài chính; Trường đào tạo các nhà lãnh đạo về công nghệ.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức hội nghị – là diễn đàn chính thức cấp cao uy tín để các nhà lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia và cơ quan quản lý thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề và thách thức mới đang nổi lên trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chủ đề hội nghị lần này: “Các đột phá mới” – phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển. Nội dung thảo luận của Chủ đề này rất phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động và thách thức. Do vậy, chúng ta phải thay đổi, và đổi mới sang tạo được coi là động lực tăng trưởng, vượt qua thách thức, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam mong rằng, hội nghị đưa ra những định hướng, những giải pháp mới trong quản lý phát triển hệ thống tài chính ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong ba quốc gia Đông Á tăng trưởng khởi sắc trong năm 2015; đồng thời nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định và sẽ là một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2016.
Nhận thức rõ những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để HNQT, hướng tới phát triển bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mạnh mẽ dân chủ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh HNQT, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
Thủ tướng mong rằng, trong thời gian dự hội nghị, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam mến khách, tìm hiểu các cơ hội và đối tác để đầu tư kinh doanh ổn định lâu dài. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT, luôn đồng hành cùng các NĐT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thành công. Việt Nam khẳng định thành công của các bạn, các NĐT cũng chính là thành công của Việt Nam và luôn sẵn sàng hợp tác vì một cộng đồng châu Á và thế giới vững mạnh, ổn định và thịnh vượng.
Ý kiến ()