Khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 16 Phong trào Không liên kết
Sáng 30-8, Hội nghị cấp cao lần thứ 16 Phong trào Không liên kết chính thức khai mạc tại Tê-hê-ran, I-ran. Tham dự Hội nghị có 40 vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, nhiều Bộ trưởng Ngoại giao từ 120 nước thành viên, cùng đại diện của hơn 30 nước và tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ là quan sát viên và khách mời. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.Tổng thống Ai Cập M.Mơ-xi, Chủ tịch tiền nhiệm và Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát, Chủ tịch mới của Phong trào Không liên kết khẳng định quyết tâm cùng các nước thành viên thúc đẩy hợp tác, nỗ lực nhằm xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn, đề cao sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh vai trò quan trọng và đóng góp tích cực của Phong trào Không liên kết giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay, đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh...
Tổng thống Ai Cập M.Mơ-xi, Chủ tịch tiền nhiệm và Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát, Chủ tịch mới của Phong trào Không liên kết khẳng định quyết tâm cùng các nước thành viên thúc đẩy hợp tác, nỗ lực nhằm xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn, đề cao sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh vai trò quan trọng và đóng góp tích cực của Phong trào Không liên kết giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay, đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kêu gọi các bên tạo điều kiện cho ông Bra-hi-mi, đại diện đặc biệt của LHQ và Liên đoàn A-rập về vấn đề Xy-ri, hoàn thành sứ mệnh của mình; cho rằng việc I-ran hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề liên quan chương trình hạt nhân của nước này sẽ góp phần tăng cường lòng tin của quốc tế.
Hội nghị thống nhất đánh giá, trong hơn 50 năm qua, Phong trào đã có những đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống chạy đua vũ trang, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến và thách thức phức tạp, các nước thành viên khẳng định, phong trào tiếp tục là tập hợp lực lượng mạnh mẽ và quan trọng nhất của các nước đang phát triển để bảo đảm lợi ích của mình về tạo dựng một môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển, chống áp đặt, bất công, cường quyền.
Hội nghị đã tiến hành Phiên thảo luận chung về chủ đề “Hòa bình bền vững thông qua quản trị toàn cầu chung”. Các nước thành viên cùng nhau trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp lập trường của Phong trào Không liên kết tại các diễn đàn toàn cầu, nhằm thúc đẩy các quan tâm của các nước thành viên về hòa bình, an ninh, phát triển và công bằng xã hội. Các nước cũng đề cập các vấn đề thu hút sự quan tâm của quốc tế hiện nay, như bất ổn, xung đột ở các khu vực, trong đó có Trung Đông, Bắc Phi…; ứng phó với các tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, mặt trái của quá trình toàn cầu hóa; tình trạng bất bình đẳng trong các hệ thống tài chính, thương mại quốc tế; tác động của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng; cải tổ, nâng cao tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả của các thể chế đa phương, trong đó có LHQ.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc Thủ tướng Cam-pu-chia và Bu-tan; Bộ trưởng Ngoại giao các nước In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Mông Cổ, Gha-na, Mô-ri-xơ, Xê-nê-gan, Bô-li-vi-a, Bê-la-rút; Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Mô-dăm-bích; Quốc vụ khanh Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, để trao đổi về hợp tác tại các diễn đàn đa phương và thúc đẩy quan hệ song phương.
* Trước đó, cuộc họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 16 đã diễn ra trong các ngày 28 và 29-8, tại Tê-hê-ran. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp. Tại phiên thảo luận các nội dung trình Hội nghị cấp cao, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN và Phong trào Không liên kết, Việt Nam cam kết cùng các nước ASEAN và các đối tác quốc tế thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh. Đại sứ nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và việc thông qua Hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011, cũng như việc sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC) của các bên tại Biển Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()