Khai mạc Hội nghị cấp cao G-20 tại Xơ-un, Hàn Quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc và dự Tọa đàm Bàn tròn cấp cao về hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 11-11, Hội nghị cấp cao G-20 (HNCC G-20) lần thứ năm đã khai mạc tại Thủ đô Xơ-un, Hàn Quốc, với chủ đề "Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng". Lần đầu được tổ chức bên ngoài phạm vi nhóm G-7, HNCC G-20 Xơ-un cam kết xem xét những vấn đề nóng như tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế, tăng trưởng bền vững và lâu dài và xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.Tham dự HNCC G-20 Xơ-un có các nhà lãnh đạo của 20 nước thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và năm khách mời là Việt Nam, Xin-ga-po, Tây Ban Nha, Ma-la-uy và Ê-ti-ô-pi-a. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là khách mời của chủ nhà Hàn Quốc và Chủ tịch đương nhiệm ASEAN tham dự HNCC G-20 Xơ-un.Các chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị cấp cao G-20 Xơ-un lần này gồm bốn nội dung: hợp tác...
Tham dự HNCC G-20 Xơ-un có các nhà lãnh đạo của 20 nước thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và năm khách mời là Việt Nam, Xin-ga-po, Tây Ban Nha, Ma-la-uy và Ê-ti-ô-pi-a. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là khách mời của chủ nhà Hàn Quốc và Chủ tịch đương nhiệm ASEAN tham dự HNCC G-20 Xơ-un.
Các chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị cấp cao G-20 Xơ-un lần này gồm bốn nội dung: hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái; xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; vấn đề cùng phát triển; cải cách tổ chức tài chính trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hàn Quốc với tư cách là nước chủ nhà HNCC G-20 Xơ-un, đã thể hiện quyết tâm đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định, tự kiểm soát giảm giá trị đồng tiền nội tệ và thúc đẩy cơ chế quản lý cán cân vãng lai. Đây là những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G-20 diễn ra tại Gy-ông-chu (Hàn Quốc) cuối tháng 10 vừa qua.
HNCC G-20 lần thứ năm sẽ bế mạc vào ngày hôm nay (12-11) với việc thông qua Tuyên bố Xơ-un.
* Theo đặc phái viên TTXVN, tối 11-11, Lễ đón chính thức các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao G-20 diễn ra trọng thể tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở Thủ đô Xơ-un.
Tổng thống Li Miêng Pắc và Phu nhân đã đón chào các Trưởng đoàn và Phu nhân ngay tại Đại sảnh Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc. Sau Lễ đón chính thức, các Trưởng đoàn có buổi làm việc không chính thức, trong đó thảo luận các vấn đề về kinh tế toàn cầu và khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, nhằm chuẩn bị cho Phiên toàn thể chính thức vào ngày 12-11. Tại buổi làm việc, các nhà lãnh đạo cho rằng thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của từng quốc gia, sự phối hợp chính sách chưa từng có ở cấp độ khu vực và toàn cầu dưới sự dẫn dắt của G-20 là nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp kinh tế thế giới có những bước phục hồi nhanh chóng. Thông điệp mạnh mẽ của G-20 về quyết tâm hợp tác và phối hợp chính sách đã góp phần ổn định các thị trường, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Để nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết của G-20, ngoài việc duy trì phối hợp chính sách giữa các nước thành viên G-20, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp chính sách giữa G-20 với các nhóm nước và tổ chức khu vực.
* Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hoang Xích, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao G-20 tại Thủ đô Xơ-un. Thủ tướng Kim Hoang Xích nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lời mời tham dự Hội nghị cấp cao G-20, coi đây là đóng góp quan trọng của Việt Nam với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN vào thành công của hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Hàn Quốc và tin tưởng Hội nghị cấp cao G-20 lần này sẽ thành công tốt đẹp.
Hai thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước kể từ sau chuyến thăm Hàn Quốc tháng 5-2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm Việt Nam tháng 10-2009 của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc. Hai bên đã trao đổi và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Hàn Quốc, một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng nêu một số kiến nghị cụ thể làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới, như tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; triển khai có hiệu quả các cơ chế đối thoại về ngoại giao, an ninh, quốc phòng; tăng cường hợp tác về khoa học, kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam ở mức cao hơn, tăng cường đầu tư vào các dự án trọng điểm tại Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ…, cùng nỗ lực duy trì đà tăng trưởng thương mại, phấn đấu đạt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2015. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, nhằm từng bước cải thiện tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại hiện nay giữa hai nước, đồng thời quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cộng đồng người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hoang Xích nhấn mạnh, Hàn Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới; khẳng định Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là một trong những hướng trọng tâm của chính sách ODA của Hàn Quốc và cam kết Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp ODA ở mức cao hơn cho Việt Nam, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, nhất là cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, phát triển xanh. Thủ tướng Hàn Quốc đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, cam kết sẽ tiếp tục quan tâm và có những biện pháp cải thiện hơn nữa điều kiện sinh sống và làm việc của người Việt Nam, nhất là các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), APEC, G-20, cấp cao ASEAN , Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Phía Hàn Quốc một lần nữa đánh giá cao việc Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-17 và các hội nghị cấp cao liên quan tháng 10 vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ tướng Kim Hoang Xích thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Hàn Quốc đã vui vẻ nhận lời mời, thời điểm thăm chính thức Việt Nam sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng I-ta-li-a X.Béc-lu-xcô-ni thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước. Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực chính trị và trao đổi đoàn cấp cao. Hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực I-ta-li-a có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, công nghiệp nhẹ và truyền thông… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn I-ta-li-a, với tư cách là một trong những nhà tài trợ chủ chốt, tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ đúng thời hạn. Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển tích cực và năng động trong khu vực, khẳng định I-ta-li-a coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò và vị thế của mỗi nước trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa I-ta-li-a với khu vực ASEAN và quan hệ ASEAN-EU. Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với EU và các nước châu Âu. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng với quyết tâm và tiềm năng của hai nước, hợp tác song phương sẽ thành công tốt đẹp.
* Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao G-20 tại Xơ-un (Hàn Quốc), ngày 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dự Tọa đàm Bàn tròn cấp cao về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo, đại diện các viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, hiện có 12 nghìn dự án của các nhà đầu tư từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 190 tỷ USD. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó GDP tăng bình quân 7% – 8%/năm và dự báo nhu cầu các nguồn vốn cho đầu tư phát triển năm năm tới khoảng 250 tỷ USD. Do vậy, cùng với việc tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến từ bên ngoài. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn cho Việt Nam. Năm 2010 kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt hơn 11 tỷ USD. Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn lâu dài và thành công tại Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, sản xuất vật liệu, năng lượng mới, sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, y tế, nông, lâm, thủy sản…
Thứ trưởng Kinh tế – Tri thức Hàn Quốc Pắc Y-âng Chun, đại diện các viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế và nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc dự cuộc toạ đàm, đánh giá cao những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. Việt Nam đã thoát khỏi nước đang phát triển có thu nhập thấp; vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Quan hệ hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam không ngừng phát triển, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, lao động, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ…
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc liên quan xây dựng Nhà máy Điện chạy than Thái Bình 2, Nhà máy Điện chạy khí Vũng Tàu, Kho ngầm khí hóa lỏng (LNG), dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc.
* Theo Đặc phái viên TTXVN, bên lề Hội nghị cấp cao G-20 tại Xơ-un (Hàn Quốc), chiều 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Diễn đàn mục tiêu Thiên niên kỷ tổ chức tại QH Hàn Quốc nhằm trao đổi việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Tham gia Diễn đàn có Tổng Thư ký LHQ, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Nam Phi và Chủ tịch QH Hàn Quốc cùng hơn 100 nghị sĩ Hàn Quốc, đại diện các tổ chức phát triển và tổ chức phi chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò quan trọng của LHQ trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận, trao đổi về phương cách giải quyết các vấn đề phát triển, thực hiện MDGs, là trung tâm điều phối hoạt động hợp tác quốc tế, là nguồn tri thức, kinh nghiệm quý báu để các nước tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách phát triển của mình. Việc thực hiện MDGs đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói, tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác và huy động nguồn lực quốc tế lớn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện MDGs không đồng đều giữa các nước, nhiều nước có thể không đạt được các MDGs đúng thời hạn vào năm 2015, những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ, khủng hoảng năng lượng, lương thực và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, Việt Nam đã hoàn thành và vượt nhiều mục tiêu MDGs và có thể đạt được các mục tiêu còn lại vào năm 2015. Những thành quả đó có được là nhờ MDGs đã được lồng ghép vào các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển ở các cấp; đồng thời còn được thực hiện thông qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia với sự tham gia và tập trung nguồn lực của cả xã hội.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong thực hiện MDGs, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong thời gian tới, LHQ cùng các nước cần tập trung thực hiện những thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao vừa qua, trong đó các nền kinh tế hàng đầu trong G-20 cần tiếp tục nỗ lực tối đa nhằm duy trì môi trường kinh tế ổn định, xây dựng cơ chế ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng, tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho các nước đang phát triển, và tiếp tục quan tâm, cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện MDGs. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa của việc Hội nghị cấp cao G-20 được tổ chức lần đầu tại một nước châu Á – Hàn Quốc, cũng là nước đầu tiên chuyển từ nước nhận viện trợ thành một nước cung cấp viện trợ cho phát triển, đồng thời kêu gọi G-20 tiếp tục hỗ trợ các vấn đề phát triển ở các nước đang phát triển nhằm đạt được MDGs vào năm 2015. Các đại biểu cũng hoan nghênh việc đưa các vấn đề phát triển vào chương trình nghị sự của hội nghị lần này, thể hiện quyết tâm chính trị hiện thực hóa các cam kết của G-20, bày tỏ mong muốn các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các giới tiếp tục ủng hộ, tham gia đóng góp hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện MDGs.
Theo Nhandan
Ý kiến ()