Khai mạc Hội nghị cấp cao Ðại Hội đồng LHQ về HIV/AIDS
Sáng 9-6 (theo giờ Việt Nam), tại Niu Oóc, Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 65 đã khai mạc Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS với phiên họp toàn thể, năm phiên họp của các ủy ban cùng 40 sự kiện bên lề nhằm kiểm điểm những tiến bộ cùng những thách thức đối với cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt 30 năm qua và định hướng những phản ứng toàn cầu trong tương lai đối với căn bệnh thế kỷ này trong năm năm tới.Hơn 30 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ cùng 3.000 đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, xã hội dân sự, các đối tác phát triển, bệnh nhân HIV/AIDS trên khắp thế giới đã tham dự hội nghị. Phái đoàn nước ta do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn đầu tham dự hội nghị.Khai mạc hội nghị, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Giô-xép Đây-xơ khẳng định, thế giới đã đến thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Trong ba thập kỷ qua, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm HIV/AIDS và ít nhất 25 triệu người đã chết và hơn 16 triệu trẻ em bị mất cha mẹ...
Sáng 9-6 (theo giờ Việt Nam), tại Niu Oóc, Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 65 đã khai mạc Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS với phiên họp toàn thể, năm phiên họp của các ủy ban cùng 40 sự kiện bên lề nhằm kiểm điểm những tiến bộ cùng những thách thức đối với cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt 30 năm qua và định hướng những phản ứng toàn cầu trong tương lai đối với căn bệnh thế kỷ này trong năm năm tới.
Hơn 30 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ cùng 3.000 đại diện các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, xã hội dân sự, các đối tác phát triển, bệnh nhân HIV/AIDS trên khắp thế giới đã tham dự hội nghị. Phái đoàn nước ta do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn đầu tham dự hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Giô-xép Đây-xơ khẳng định, thế giới đã đến thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Trong ba thập kỷ qua, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm HIV/AIDS và ít nhất 25 triệu người đã chết và hơn 16 triệu trẻ em bị mất cha mẹ vì căn bệnh này. Vì vậy, hội nghị là cơ hội quan trọng để các nước tái khẳng định các cam kết hành động tập thể và tăng cường cuộc chiến chống HIV/AIDS. Tại hội nghị này, Chủ tịch Đây-xơ nhấn mạnh, các nước thành viên LHQ cần thông qua Tuyên bố mới để khẳng định tiếp tục các cam kết hiện hành cùng các cam kết hành động định hướng các phản ứng toàn cầu sau cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt 30 năm qua và 10 năm sau Phiên họp đặc biệt của ĐHĐ LHQ về HIV/AIDS năm 2001 cũng như Tuyên bố chính trị ký năm 2006 trong đó các nước thành viên LHQ cam kết phổ cập việc tiếp cận ngăn chặn, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Chủ tịch ĐHĐ LHQ nhấn mạnh, để bảo đảm thành công trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, điều quan trọng thiết yếu là mọi hành động cần dựa trên quan hệ đối tác rộng rãi, trong đó các Chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự phối hợp sức mạnh và cùng đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun khẳng định, cuộc chiến chống HIV/AIDS không chỉ đơn thuần chống bệnh tật mà còn là vì quyền con người và bình đẳng giới, chấm dứt phân biệt đối xử về giới. Cuộc chiến này cũng vì sự cần thiết phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Ông nhấn mạnh, hội nghị cấp cao này là lời kêu gọi tất cả các đối tác hành động siết chặt đoàn kết toàn cầu hơn bao giờ hết và đây là con đường duy nhất để thúc đẩy sự tiếp cận phổ cập các biện pháp ngăn chặn, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS vào năm 2015. Thế giới cần các cam kết giảm chi phí điều trị với các chương trình điều trị tốt hơn, cam kết trách nhiệm, bảo đảm các phản ứng đối với HIV/AIDS thúc đẩy được y tế, quyền con người, an ninh và phẩm giá của phụ nữ, tăng cường 'cuộc cách mạng ngăn chặn', phát huy được tiềm năng của thanh niên và các công nghệ truyền thông mới để cuộc chiến thành công trên toàn thế giới. Thực hiện được năm biện pháp này, thế giới sẽ không còn lo sợ và sẽ trở thành thế giới không có HIV/AIDS. Thế giới cần hành động táo bạo để đạt mục tiêu là xóa bỏ HIV/AIDS trong vòng 10 năm tới.
Giám đốc chấp hành Chương trình chung của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), ông Mai-cơn Xi-đi-bi, nêu bật những thành công tập thể của cộng đồng quốc tế chống HIV/AIDS trong 30 năm qua. Ông cho biết, 20 nước trên thế giới đã phổ cập tiếp cận các dịch vụ ngăn chặn lây truyền vi-rút HIV/AIDS từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS mới trên toàn cầu đã giảm 25% trong 10 năm qua, số người tử vong vì HIV/AIDS đã giảm 20% trong năm năm qua và 6,6 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã được tiếp cận các liệu pháp điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu chống HIV/AIDS, hiện vẫn có 34 triệu người trên toàn cầu đang phải sống chung với HIV/AIDS, cao hơn bất cứ thời điểm nào trong 30 năm qua. Ngoài ra, chín triệu người nhiễm HIV/AIDS ở các nước nghèo vẫn đang phải chờ để được điều trị. Trong khi mỗi năm có khoảng 1,8 triệu người ở các nước phương Nam tử vong vì HIV/AIDS thì ở các nước phương Bắc, HIV/AIDS đã được coi là bệnh mãn tính có thể điều trị. Hàng năm 330 nghìn trẻ em ở các nước nghèo chào đời với HIV/AIDS.
Giám đốc UNAIDS nhấn mạnh, HIV/AIDS vẫn là thách thức sống còn của thời đại. Thế giới không được thỏa mãn và cần thỏa thuận chương trình nghị sự cải tổ để xóa bỏ căn bệnh thế kỷ và đạt được mục tiêu chung là không có người nhiễm HIV/AIDS mới, không phân biệt đối xử và không còn trường hợp tử vong liên quan HIV/AIDS.
* Sáng 9-6 (theo giờ Việt Nam), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ĐHĐ LHQ về HIV/AIDS, đã có bài phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã hoan nghênh ĐHĐ LHQ triệu tập Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS, một hội nghị quan trọng đánh dấu 30 năm cuộc chiến chống HIV/AIDS và 10 năm thực hiện Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn về xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trong nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát HIV/AIDS, với số người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam chỉ chiếm 0,26% dân số, Việt Nam bước đầu đã có thể kiềm chế được sự gia tăng của số người nhiễm HIV/AIDS. Số người tử vong liên quan căn bệnh thế kỷ đã giảm từ hơn 6.000/năm xuống 2.500/năm trong hai năm qua. Việc Việt Nam ban hành Luật Ngăn chặn và kiểm soát HIV/AIDS cùng nhiều văn bản pháp lý khác đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia lớn hơn của người dân và các tổ chức xã hội.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ quan trọng và hợp tác hiệu quả của LHQ, trong đó trực tiếp nhất là Chương trình chung của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) và các cơ quan LHQ khác đồng bảo trợ, các quỹ và các tổ chức quốc tế khác cũng như nhiều nước và các bạn bè quốc tế đối với các nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn và kiểm soát HIV/AIDS trong nhiều năm qua. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện các mục tiêu quốc gia và quốc tế về phổ cập, tiếp cận các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS cũng như sáng kiến mới nhất của LHQ về không có người lây nhiễm HIV/AIDS mới, không phân biệt đối xử và không còn người chết do HIV/AIDS. Phó Thủ tướng cũng hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ cũng như sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của hệ thống LHQ, các nước thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực này.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định, HIV/AIDS vẫn là thách thức toàn cầu quan trọng và là mối đe dọa đối với tiến trình phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Việt Nam tán thành Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về thực hiện Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS và Tuyên bố chính trị năm 2006 về HIV/AIDS. Việt Nam ủng hộ Dự thảo Văn kiện cuối cùng sẽ được thông qua tại hội nghị cấp cao này, đồng thời nhấn mạnh ba đề nghị. Một là, phát triển toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn, cộng đồng quốc tế vẫn phải không ngừng cảnh giác đối với vấn đề HIV/AIDS và bảo đảm các nguồn lực cần thiết cho các phản ứng quốc gia và quốc tế về HIV/AIDS. Ngoài ra, căn bệnh thế kỷ này hiện là thách thức lớn nhất đối với các nước nghèo đang phát triển. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần chú ý đặc biệt và hỗ trợ các nỗ lực chống HIV/AIDS của những nước này. Hai là, ngăn chặn là biện pháp chữa trị tốt nhất, đặc biệt thích hợp đối với HIV/AIDS. Vì vậy, điều cấp bách là thực hiện các biện pháp ngặn chặn toàn diện bao gồm giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức, đặc biệt trong thanh niên. Các biện pháp can thiệp để giảm tổn hại, tư vấn và cải thiện năng lực chẩn đoán bệnh cũng có tầm quan trọng thiết yếu đối với các nỗ lực thực hiện mục tiêu không còn người lây nhiễm HIV/AIDS mới. Các biện pháp này cần sự tham gia rộng rãi của nhân dân thuộc mọi tầng lớp xã hội cũng như sự lãnh đạo của các chính phủ. Ba là, những người nhiễm HIV/AIDS cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn, đặc biệt là ART và Methadone. Cần tạo điều kiện để sản xuất ART và Methadone giá rẻ thông qua chuyển giao công nghệ và tài trợ cho các nước đang phát triển đồng thời triển khai các biện pháp phát hiện sớm và điều trị liên tục cho những người nhiễm HIV/AIDS cũng rất quan trọng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()