Khai mạc Hội nghị an ninh Mu-ních tại Ðức
Theo Roi-tơ và AP, ngày 31-1, Hội nghị an ninh Mu-ních lần thứ 50 khai mạc tại TP Mu-ních, thủ phủ bang Bay-ơn của Ðức với sự tham dự của gần 500 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ cùng khoảng 50 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng các nước.
Hội nghị an ninh Mu-ních (họp trong hai ngày) tập trung thảo luận các vấn đề an ninh toàn cầu, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, cuộc nội chiến ở Xy-ri, chương trình hạt nhân của I-ran, cuộc xung đột ở U-crai-na, tương lai tiến trình hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin, ổn định khu vực ở châu Á, cũng như một số vấn đề liên quan an ninh không gian mạng và cuộc cách mạng năng lượng… Ngoài ra, mối quan hệ đang gặp nhiều sóng gió giữa hai bờ Ðại Tây Dương liên quan vụ nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng được thảo luận tại hội nghị.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà G.Gúc kêu gọi nước Ðức đóng vai trò lớn hơn và có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. Ông nhấn mạnh, Ðức chủ trương giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao, song khi cần, quân đội sẽ không đứng ngoài cuộc. Theo ông, Béc-lin cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc can thiệp các cuộc xung đột.
* Ngày 31-1, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đã thăm Ðức. Ðây là chuyến thăm Ðức lần đầu của ông Ke-ri kể từ khi vụ do thám của NSA bị phát giác năm ngoái. Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp ông Ke-ri, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà P.Xtên-mây-ơ khẳng định, mối quan hệ lâu đời giữa Ðức và Mỹ không thể bị hủy hoại bởi những căng thẳng liên quan vụ bê bối nghe lén của NSA. Tuy nhiên, ông cho rằng hai nước cần khôi phục niềm tin đã mất do vụ việc trên. Tại cuộc gặp, ông Ke-ri thừa nhận hai nước đang trải qua “giai đoạn hết sức khó khăn”, song khẳng định các lợi ích chung trong các vấn đề phức tạp như chống khủng bố, an ninh và quốc phòng sẽ giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước trở lại quỹ đạo.
* Ngày 1-2, bên lề Hội nghị an ninh Mu-ních, các quan chức hàng đầu của nhóm Bộ Tứ bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Ðông, gồm LHQ, Mỹ, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) nhóm họp để thảo luận biện pháp hỗ trợ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri trong nỗ lực làm trung gian cho cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin. Ông Ke-ri đã cố gắng suốt sáu tháng qua để thúc đẩy I-xra-en và Pa-le-xtin tiến tới một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt hàng chục năm xung đột. Các nhà ngoại giao hy vọng, trong vài tuần tới, ông Ke-ri sẽ đưa ra một khung thỏa thuận về tiếp tục đàm phán chi tiết hơn sau thời hạn chót hai bên phải đạt thỏa thuận tạm thời vào cuối tháng 4 tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()