Khai mạc Diễn đàn Hà Nội 2018
Chiều 9/11, ĐHQG Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ KH&CN, Bộ TN&MT tổ chức lễ khai mạc Diễn đàn Hà Nội 2018.
Các đại biểu dự khai mạc Diễn đàn Hà Nội 2018. Nguồn: ĐHQG Hà Nội |
Diễn đàn Hà Nội 2018 tập trung thảo luận vấn đề “Hướng đến phát triển bền vững – Ứng phó biến đổi khí hậu để bảo đảm bền vững và an ninh”, thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới tham dự.
Kéo dài trong 3 ngày, Diễn đàn là dịp các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với một số mục tiêu cốt lõi như: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu; đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải carbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu và tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực.
Tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia sẻ ĐHQG Hà Nội luôn đồng hành với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết vào tháng 12/2015, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) đã thông qua Thỏa thuận Paris. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất các các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua thực hiện các cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Với nỗ lực của tất cả các bên, Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực chưa đầy một năm kể từ khi được thông qua và hiện đang được các quốc gia trên thế giới nỗ lực triển khai thực hiện.
Mặc dù các nước đã đệ trình NDC vào cuối năm 2015 nhưng ngay cả khi tất cả các NDC được thực hiện đầy đủ, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi tất cả các bên cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thể kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng Diễn đàn Hà Nội 2018 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()