Khai mạc Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 7
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Diễn đàn có sự tham dự của trên 90 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu đến từ 10 nước ASEAN, 8 nước Đối tác đối thoại của ASEAN (gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), Ban Thư ký ASEAN cùng đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhấn mạnh biển và đại dương luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với ý nghĩa đó, hợp tác biển luôn là một ưu tiên cao trong các cơ chế, khuôn khổ cũng như chương trình, kế hoạch hợp tác ở khu vực.
Ghi nhận một số tiến triển trong hợp tác biển khu vực thời gian quan, trong đó có những sáng kiến ứng phó ô nhiễm môi trường biển, xử lý nạn rác thải, chống đánh bắt cá trái phép và khai thác bền vững tài nguyên biển…, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng chỉ ra những thách thức nhiều mặt mà khu vực đang phải đối mặt. Đó là các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia trên biển, ô nhiễm môi trường biển, axit hóa đại dương, an ninh an toàn của ngư dân và người đi biển, cho tới tranh chấp chưa được giải quyết, tình căng thẳng và nguy cơ sự cố gia tăng, nhất là ở Biển Đông. Những thách thức này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới tiềm năng và triển vọng hợp tác biển ở khu vực.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng tập trung kiểm điểm toàn diện tình hình hợp tác biển thời gian qua, xác định những khó khăn, trở ngại và khuyến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hợp tác biển trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường vai trò của Diễn đàn EAMF để hỗ trợ cho công tác phối hợp các hoạt động hợp tác biển ở khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm Công ước Luật Biển 1982 có hiệu lực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các đại biểu tiến hành đánh giá công tác áp dụng quy định của Công ước ở khu vực thời gian qua và trao đổi cách thức nhằm củng cố hơn nữa vai trò của văn kiện nền tảng này cũng như bảo đảm mọi hoạt động trên biển ở khu vực đều tuân thủ Công ước.
Theo chương trình, Diễn đàn EAMF-7 dự kiến gồm phiên thảo luận mở về chủ đề 25 năm thực thi Công ước Luật Biển 1982 và phiên thảo luận kín để trao đổi về tình hình hợp tác và an ninh biển ở khu vực, rà soát các hoạt động hợp tác và xem xét các đề xuất, sáng kiến mới cũng như định hướng tương lai cho Diễn đàn.
Diễn đàn EAMF được thành lập và nhóm họp lần đầu tiên vào năm 2012. Được tổ chức ngay sau Diễn đàn Biển ASEAN, EAMF nhằm tạo khuôn khổ cho các đối tác tham gia, đóng góp vào đối thoại và hợp tác biển ở khu vực và hỗ trợ cho các nước ASEAN. Kể từ khi thành lập, EAMF đã trao đổi về nhiều chủ đề hợp tác biển khác nhau, trong đó có việc thực thi Công ước Luật biển, kết nối, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy kinh tế biển và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()