Khai mạc Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc
* Phấn đấu trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh Ngày 13-10, tại thành phố Vĩnh Yên, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội, có đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; Hoàng Xuân Cừ, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Trần Lưu Hải, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và một số địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc các thời kỳ; đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Vĩnh Phúc và 346 đại biểu đại diện cho gần 50 nghìn đảng viên toàn đảng bộ.Báo cáo Chính trị trình đại hội do đồng...
Báo cáo Chính trị trình đại hội do đồng chí Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trình bày đã khẳng định, năm năm qua kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,4%/năm, vượt kế hoạch đề ra hơn 3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp – thủy sản. Ước năm 2010 giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 13,74%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 31 triệu đồng, gấp 3,45 lần so với năm 2005.
Lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân, huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển đa dạng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn được đầu tư nâng cấp mạnh; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm năm (2006 – 2010) đạt hơn 154 nghìn tỷ đồng, gấp hơn ba lần giai đoạn 2001-2005. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được hình thành. Một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh phát triển nhanh và có sức cạnh tranh cao. Tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống được quan tâm quy hoạch, đầu tư, khôi phục và phát triển. Dịch vụ phát triển mạnh, nhiều ngành có mức tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách tăng 4,3 lần so với năm năm trước. Trong năm năm, thu hút 507 dự án mới. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, từng bước kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Bộ máy chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, triển khai nghiêm túc. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'. Báo cáo Chính trị cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Gia Khiêm biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và khẳng định: Năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra. Đáng chú ý là nhiệm kỳ qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị, nông nghiệp nông thôn, đội ngũ cán bộ… đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Các mặt văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo tiếp tục có bước phát triển. An ninh – quốc phòng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên… Đồng chí biểu dương Đảng bộ Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21 là thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn và ý chí tiến công cách mạng. Để đạt được mục tiêu đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh cần phân tích những nguyên nhân chủ yếu, có tính quyết định dẫn đến thành công trong thời gian qua để tiếp tục phát huy, giành những thắng lợi to lớn hơn. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc phát triển mạnh công nghiệp, nhưng phải luôn gắn kết chặt chẽ với bảo vệ, giữ vững môi trường trong sạch, lành mạnh. Đại hội cần tập trung trí tuệ, đề ra các giải pháp để phát huy tối đa vị thế của một tỉnh kề cận Thủ đô Hà Nội để có những bước phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa… Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cần hết sức coi trọng việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đại hội tiếp tục làm việc đến hết ngày 14-10.
* Ngày 13-10, Đảng bộ Tập đoàn Sông Đà tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2010 – 2015). Đại hội đã tập trung vào ba nội dung chính: thảo luận Báo cáo Chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa 9 trình Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Sông Đà lần thứ 10; đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ Khối doanh nghiệp T.Ư và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối doanh nghiệp T.Ư nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Trong nhiệm kỳ qua, tổng giá trị sản xuất, kinh doanh của tập đoàn đạt 88.880 tỷ đồng, tăng 53% so kế hoạch; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 27%, tăng 59% kế hoạch. Tổng tài sản toàn tổ hợp dự kiến hết năm 2010 đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần; vốn chủ sở hữu đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 5,2 lần so thời điểm cuối năm 2005. Giá trị đầu tư thực hiện hơn 34.700 tỷ đồng, tăng 40% so kế hoạch,… Tập đoàn đã bảo đảm việc làm cho hơn 30 nghìn cán bộ, công nhân viên, thu nhập bình quân hằng tháng hơn 3,3 triệu đồng/người. Đảng bộ Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo, chọn các dự án làm thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án để sớm đưa vào vận hành, nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu sang sản xuất công nghiệp, giảm tỷ trọng xây lắp. Đầu năm 2010, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam được thành lập, nòng cốt là Tổng công ty Sông Đà, cùng với quyết định thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Sông Đà, hiện đang từng bước đi vào hoạt động ổn định.
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Sông Đà lần thứ 10 đề ra phương hướng xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh ở trong nước và khu vực, có quy mô lớn, hiện đại, đa sở hữu, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao trên 6 lĩnh vực chính là: xây dựng, lắp đặt thiết bị; sản xuất công nghiệp; cơ khí, chế tạo; đầu tư khu công nghiệp và đô thị; đầu tư tài chính,… không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn, góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()