Ngày 9-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010-2015, đã chính thức khai mạc. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã triệu tập 350 đại biểu, đại diện hơn 24.500 đảng viên của 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Dự đại hội, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Hoàng Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Đẳng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng.
Đồng chí Lê Thị Bân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh phát biểu ý kiến khai mạc Đại hội, nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức… song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các mặt văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, một số loại tội phạm và tai nạn giao thông giảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận, mặt trận, các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc… Kết quả trên đánh dấu sự nỗ lực lớn trong thời gian qua của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Tuy đã có những bước phát triển quan trọng, nhưng do xuất phát điểm kinh tế thấp, nên Tây Ninh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn; quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Công nghiệp chưa phát triển nhiều, quy mô, tỷ trọng chưa lớn; kết cấu hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển; công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn yếu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh cần nhận thức sâu sắc hơn về đặc điểm, tình hình, xác định rõ vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của địa phương làm cơ sở đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát thực tế, mang tính khả thi cao. Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh phải gắn kết chặt chẽ với sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của vùng để tạo bước đột phá cho mình; chủ động tạo ra cơ chế, cơ hội để phát triển với tinh thần năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tỉnh cần chú trọng khai thác có hiệu quả lợi thế tỉnh biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, dịch vụ mạnh mẽ.
Tây Ninh cần quan tâm hơn trong việc giữ vững “trận địa” nông nghiệp, thúc đẩy phát triển về chất, nhất là nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, bảo vệ an ninh lương thực. Tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp (cao-su, mía, mì…), do đó cần quan tâm quy hoạch và định hướng phát triển sao cho có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều sản phẩm tinh chế có giá trị xuất khẩu, tiến tới hạn chế, giảm mạnh việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, đồng thời cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh hợp tác, mở rộng đầu tư sang Cam-pu-chia, đồng thời tiếp tục tăng cường cải cách hành chính trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh phải hướng mạnh về cơ sở, gắn công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị phải theo phương châm “Gần dân, trọng dân, tin dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.
Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 11-9.
* Sáng qua 9-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2010-2015, chính thức khai mạc. Tham dự đại hội có 348 đại biểu, đại diện hơn 84 nghìn đảng viên của toàn đảng bộ.
Dự Đại hội, có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Đình Đàn, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phạm Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; Trần Văn Hằng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng T.Ư và các ban của T.Ư Đảng cùng các bộ, ban, ngành ở T.Ư, Quân khu 4, các tập đoàn kinh tế…
Hà Tĩnh là một trong 10 Đảng bộ cấp tỉnh được Bộ Chính trị chọn Đại hội thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy.
Báo cáo chính trị do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trình bày tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ qua thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết 16 của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, mở ra hướng phát triển nhanh và bền vững cho tỉnh trong thời gian tới. Nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng khá cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Hà Tĩnh đã thu hút và triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng, quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ yếu là gang thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, cảng biển… Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường. Sản xuất nông nghiệp nhiều năm liên tục được mùa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa – xã hội, tạo được sự chuyển biến khá tích cực và đồng đều về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhiều vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực…
Về phương hướng, mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2010-2015, Báo cáo chính trị nêu rõ: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Phấn đấu đến năm 2015, Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm hơn 14%. Đến 2015, cơ cấu kinh tế sẽ là: Công nghiệp – xây dựng 41,6%; thương mại, dịch vụ 40,3%; nông lâm – ngư nghiệp 18,1%; giá trị sản xuất đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm; GDP bình quân đầu người hơn 35 triệu đồng/năm; thu ngân sách nội địa đạt hơn 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 280 triệu USD…
Đại hội đã dành thời gian để đại biểu thảo luận những vấn đề trọng tâm từ thực tiễn sinh động của địa phương, của đơn vị để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2005-2010), chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung trí tuệ, dân chủ bàn luận, thống nhất phương hướng, các khâu đột phá, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp phát triển Hà Tĩnh trong năm năm tới.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng biểu dương và chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Đồng chí nhấn mạnh: Hà Tĩnh là tỉnh đã thu hút và triển khai một số dự án có quy mô đầu tư lớn, tạo bước phát triển mang tính đột phá về công nghiệp và dịch vụ cho những năm tiếp theo. Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, là một trong những tỉnh được Trung ương chọn thí điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm… Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; đội ngũ cán bộ được rèn luyện trong thực tiễn, sâu sát cơ sở, tâm huyết với công việc, từng bước được trưởng thành. Nội bộ cấp ủy đoàn kết, nhất trí, tạo không khí phấn khởi và sự đồng thuận trong xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương; một số chỉ tiêu chưa đạt so Nghị quyết Đại hội đề ra. Đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo; quy mô kinh tế còn nhỏ bé; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là các huyện miền núi. Tai nạn giao thông và một số tệ nạn xã hội còn diễn ra bất cập. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu… Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có mặt còn bất cập. Phong trào quần chúng phát triển chưa đồng đều, còn thiếu chiều sâu…
Về phương hướng, mục tiêu của tỉnh Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Đại hội khẳng định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững; sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển. Trên tinh thần đó, tỉnh cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế, nhất là về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giao thông, nguồn nhân lực, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng…; rà soát, tính toán kỹ các mục tiêu, kế hoạch, huy động và phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cần phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế theo hướng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm phát triển nhanh, có chất lượng và bền vững. Đặc biệt là cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ Chính trị đã kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 5-8-2010. Đó là: Đẩy nhanh tiến độ triển khai và phát huy hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị, kinh doanh của tỉnh trong giai đoạn mới, đẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là đối với các huyện miền núi và vùng sâu, vùng xa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Trước hết, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh. Hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực; coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Củng cố, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội. Phát huy dân chủ, khơi dậy mọi tiềm năng, sáng tạo trong nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra trong thời gian tới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành đảng bộ gồm 55 đồng chí và bầu trực tiếp đồng chí Nguyễn Thanh Bình tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2010-2015, tiếp tục làm việc đến ngày 11-9.
Ý kiến ()