Khai mạc Ðại hội Ðại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ hai
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu ý kiến Ngày 18-4, tại Thủ đô Hà Nội, Ðại hội Ðại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2014-2019, đã khai mạc trọng thể.
Dự Ðại hội có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hà Hùng Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Tư pháp; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành T.Ư, đại diện đại sứ quán và tổ chức quốc tế, và gần 390 đại biểu là các luật sư đại diện gần 9.500 luật sư trong cả nước.
Các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng Ðại hội.
Theo báo cáo công tác nhiệm kỳ một, Phó Chủ tịch Thường trực, Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Thảo cho biết: Thành lập tháng 5-2009, đến nay, bộ máy tổ chức của Liên đoàn đã được kiện toàn, ổn định và phát huy hiệu quả, có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ khi thành lập đến nay, số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức được 77.129 vụ án hình sự; hơn 65 nghìn vụ án dân sự, gần 5.500 vụ án kinh tế, tư vấn các vụ việc khác hơn 272 nghìn vụ…
Trong nhiệm kỳ này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư trong thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; đẩy mạnh công tác giám sát đạo đức nghề nghiệp, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ðồng thời, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và nhân dân về vai trò, vị trí của luật sư trong xã hội…
Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ qua và chỉ rõ một số hạn chế trong hoạt động của Liên đoàn. Tỷ lệ luật sư trên số dân vẫn còn thấp so với thế giới (nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, có nơi chỉ có một luật sư/11 nghìn người dân); chất lượng hoạt động của luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về tố tụng và tư vấn pháp luật theo yêu cầu của cải cách tư pháp; cá biệt còn một số ít luật sư nhận thức về chính trị còn lệch lạc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa gương mẫu chấp hành pháp luật về hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với luật sư cũng còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện đúng nội dung, tinh thần Chỉ thị số 33-CT/T.Ư của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư cũng như các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư. Ðây là những vấn đề cần tích cực khắc phục trong thời gian tới.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức từ trung ương đến địa phương. Ðổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt chế độ tự quản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư. Mỗi luật sư cần tự giác rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu tuân thủ pháp luật, không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của đất nước, ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới, có đủ năng lực tham gia vào các tổ chức quốc tế và giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế. Cần xây dựng cơ chế để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự; phát huy vai trò của luật sư ngay từ giai đoạn điều tra nhằm bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu đều được luật sư trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị đưa ra xét xử. Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và giới luật sư; đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới luật sư; bảo đảm các hoạt động của luật sư thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tổ chức luật sư trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Ðại hội tập trung trí tuệ, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, kỷ cương, đánh giá đúng thực chất các kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo. Trên cơ sở phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, Ðại hội sẽ sáng suốt lựa chọn bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam những người đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh cao trong hoạt động tư pháp, hoạt động luật sư; có khả năng tập hợp, đoàn kết luật sư cả nước, hết lòng vì sự phát triển tổ chức luật sư nói riêng và đất nước nói chung. Chủ tịch nước nêu rõ: Ðảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Liên đoàn và giới luật sư cả nước hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()