Khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2018 và công bố bảo vật quốc gia
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu nêu rõ: “Côn Sơn-Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc, công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.”
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông là người thông minh, hiếu học, được mệnh danh là thần đồng, nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc và cả nước. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu khóa thi Hương, 21 tuổi đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất. Người đời gọi ông là Lý Trạng nguyên. Làm quan nhà Trần không lâu, ông từ quan tìm đến tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách.
Ngoài ra, ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” là bảo vật quốc gia cho đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hải Dương.
Bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” là một tư liệu quý về văn học, sử học, mỹ thuật, nhất là đối với việc nghiên cứu lịch sử phát triển của chùa Côn Sơn. Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607), trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn, do nhà sư trụ trì chùa Côn Sơn Tư Phúc là Mai Trí Bản chủ trì, Chiêm Đường Nguyễn Đức Minh soạn thảo, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ 18, là nơi trụ trì của Đệ tam thánh Tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Văn bia khẳng định quy mô chùa Côn Sơn gồm 83 gian với các công trình: Phật Điện, Tổ Đường, Hậu Đường, Cửu Phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng….
Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta. Niên đại sớm nhất của dạng bia lục giác là tấm bia Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân (Hải Dương) dựng năm 1585, sau đó là bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi dựng năm 1607. Bia cao 1,2m, rộng 0,32m. Mỗi mặt bia có 68 dòng thể hiện theo lối chân thư. Mặt một ứng với chữ Côn chạm đôi rồng chầu mặt trời, mặt bốn đối lại phía sau ứng với chữ Phúc chạm đôi phượng chầu mặt trời. Các mặt bia còn lại mỗi mặt chạm một con rồng uốn khúc khác nhau, trên nền mây cụm và mây ba dải.
Trước lễ khai hội đã diễn ra nghi lễ rước nước. Từ sân chùa Côn Sơn, đoàn rước gồm hàng trăm người với rồng, cờ lọng, bát bửu, các cỗ kiệu tiến ra hồ Côn Sơn. Tại đây, các nhà sư làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước. Các đại biểu thành kính thực hiện nghi thức lấy nước trong vòng sinh khí đổ vào bình thủy rồi rước nước trở lại chùa làm lễ an vị. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội Côn Sơn với mục đích lấy nước thiêng để thờ cúng trong Phật điện, làm nghi lễ mộc dục (tắm tượng), biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, cầu mùa, cầu nước…
Với những giá trị hết sức đặc biệt, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962; năm 2012 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tại Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn và Lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2018 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 1-10/3/2018 (tức ngày 14-23 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi mang đậm chất truyền thống, dân gian như: lễ dâng hương, lễ khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ Đàn mông sơn thí thực, hội thi bánh chưng, bánh dày, vật dân tộc, liên hoan pháo đất…/.
Ý kiến ()