Khai hội đặc sản vùng miền và cam sành Hà Giang
Tối 19-12, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Công Thương Hà Giang chính thức khai mạc Hội chợ đặc sản vùng miền, quà tặng Noel và Tuần lễ cam sành Hà Giang 2017.
Hội chợ được tổ chức nhằm tôn vinh nông đặc sản địa phương, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường, giúp các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa nông đặc sản địa phương trở thành hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao.…
Bên cạnh đó, Hội chợ sẽ tạo cơ hội cho các địa phương thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông đặc sản với quy mô lớn, khuyến khích phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, ẩm thực và du lịch xanh.
Với quy mô 200 gian hàng tiêu chuẩn, tại Hội chợ có hơn 1.000 chủng loại mặt hàng nông lâm thủy sản, nông đặc sản vùng, miền đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và đã được xác nhận kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Tại Hội chợ còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ Đồng Kỵ, đồ gỗ Gia Lai, quà tặng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Noel 2017 và Tết Dương lịch 2018.
Đặc biệt, tại Hội chợ lần này, thông qua việc trưng bày, giới thiệu, tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá các sản phẩm cam sành và các sản phẩm đặc sản Hà Giang là điểm nhấn đáng chú ý đối với khách tham quan, mua sắm tại Hội chợ, đồng thời đưa thương hiệu sản phẩm cam sành, các đặc sản của tỉnh Hà Giang tiếp cận và định vị trong văn hóa tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Các đại biểu tham quan các gian hàng đặc sản tỉnh Hà Giang.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, cho biết, cam sành Hà Giang là một đặc sản nổi tiếng ở miền bắc. Hiện nay, tổng diện tích cam Hà Giang đã phát triển lên 7.900 ha (trong đó diện tích đã cho thu hoạch mới đạt 3.600 ha), tập trung chủ yếu tại hai huyện Quang Bình và Vị Xuyên. Để tránh cảnh được mùa rớt giá, UBND tỉnh Hà Giang đã khống chế chỉ dừng lại ở quy hoạch là 8.000 ha. Mặc dù năng suất, sản lượng ngày càng tăng lên nhưng người Hà Nội rất khó mua được cam sành xịn. Trong khi đó, nhiều tư thương nhập các loại cam không rõ nguồn gốc đưa về Hà Nội bán nhưng mượn danh là cam sành Hà Giang, khiến người tiêu dùng khó phân biệt khi mua sắm. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi đi tìm đầu ra cho cam sành Hà Giang là không kết nối được nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ vì chưa có chứng nhận về nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm.
Tại “Tuần lễ cam sành Hà Giang 2017”, cùng với cam sành, được sản xuất theo quy trình Thực hành nông nghiệp tốt – VietGAP đã được cấp chỉ dẫn địa lý, còn có những nông đặc sản là lợi thế của Hà Giang như: chè San Tuyết, mật ong bạc hà, dược liệu… Những sản phẩm này đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng với người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, là năm đầu tiên triển khai việc dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc nên sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia vào quy trình sản xuất VietGAP. Hiệp hội Cam sành của Hà Giang ký cam kết với các doanh nghiệp cung ứng để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về những nông đặc sản của Hà Giang.
Trong khuôn khổ của Hội chợ sẽ diễn ra hội nghị “Giao thương, kết nối cung – cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối nông sản thực phẩm an toàn”; sự kiện “Quảng bá, giới thiệu nông đặc sản, văn hóa ẩm thực địa phương”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()