Khai giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai giảng
– Chiều 26/10, tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Tỉnh ủy Lạng Sơn và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức lễ khai giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung K73.B11 khóa học 2022 – 2024. Dự lễ khai giảng có các đồng chí: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn; lãnh đạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và 54 học viên.
Thời gian của khóa học là 18 tháng, gồm 19 môn học, 6 chuyên đề ngoại khoá, các chuyên đề của tuần lễ học viên và nghiên cứu, khảo sát thực tế.
Các đại biểu và học viên dự lễ khai giảng
Trong quá trình học tập, các đồng chí học viên sẽ được trang bị những tri thức, kỹ năng cơ bản như: hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong nước và quốc tế; các kiến thức về khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý…
Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị: Đối với giảng viên, cần cập nhật thường xuyên những vấn đề thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam để bổ sung vào bài giảng, đặc biệt cập nhật tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cấu trúc lại bài giảng theo hướng tăng cường sự trao đổi, thảo luận, gợi mở cho học viên tự học, tự nghiên cứu; coi trọng hình thành các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống; giải quyết tốt các vấn đề từ thực tiễn nảy sinh.
Đối với học viên, cần tập trung nghe giảng, kết hợp nghiên cứu tài liệu, giáo trình và tự nghiên cứu để có những kiến thức hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn, xây dựng cho mình lập trường cách mạng, tư duy khoa học, tích luỹ tri thức, tạo thêm giá trị mới.
Đồng chí lưu ý: mỗi học viên cần nhận thức sâu sắc học tập lý luận chính trị là để hoàn thiện tri thức, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, việc xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị chính là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Do đó, các học viên phải xác định động cơ học tập đúng đắn; phương pháp học tập, rèn luyện phù hợp.
Ý kiến ()