Khách sạn 5 sao không đủ làm nên đẳng cấp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ quan điểm này tại Diễn đàn “Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” diễn ra ngày 10/6 tại Quảng Nam trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải tháo bỏ tất cả những vướng mắc hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Phó Thủ tướng, khu vực miền Trung-Tây Nguyên ngoài lợi thế tự nhiên có rất nhiều nét văn hoá độc đáo. Các địa phương phải tìm ra và kết nối, bổ trợ cho nhau thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu…
Đổi mới tư duy, cách làm
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết năm 2016, tổng lượng khách quốc tế đến vùng là 6,4 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt khoảng 71 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17,75% tổng thu du lịch của cả nước. Mặc dù số lượt khách du lịch là tương đối lớn, song phân bổ không đồng đều, đại bộ phận tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn trong khu vực như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, tổng lượt khách du lịch cao nhưng số ngày lưu trú bình quân của du khách tại vùng lại thấp.
Số cơ sở lưu trú trong vùng là 6.518 cơ sở, trong đó có 394 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Đã hình thành một số khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với các thương hiệu mạnh.
“Tuy nhiên, du lịch miền Trung-Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua việc khai thác thô các tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ đi kèm, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu”, bà Hương đánh giá và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tại diễn đàn.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng ngành du lịch vẫn khai thác lợi thế theo các lợi thế tự nhiên nhưng chưa thể đạt tới đẳng cấp vì chưa chú trọng lợi thế khác biệt, sự liên kết, chưa kể quan điểm phát triển du lịch chưa thoát khỏi chiến lược chạy theo số lượng du khách.
“Kinh nghiệm của du lịch miền Trung-Tây Nguyên vừa qua cho thấy các địa phương đều có tài nguyên du lịch rất tốt nhưng mức độ trỗi dậy, vươn lên đẳng cấp của các địa phương khác nhau, thể hiện tầm nhìn của từng địa phương trong thu hút các tập đoàn lớn, thương hiệu du lịch mạnh để tạo dựng được “chân dung” du lịch của tỉnh đó trong mối liên kết chung với các địa phương trong vùng”, ông Thiên chia sẻ.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch nêu một số kiến nghị như phải phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; đối xử với các doanh nghiệp du lịch đúng nghĩa là ngành kinh tế mũi nhọn; gắn các cơ sở đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch chất lượng cao; lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý du lịch lữ hành để những doanh nghiệp không nghiêm túc, đàng hoàng, mất uy tín không có “đất phát triển”…
Gần 200 đại biểu dự Diễn đàn “Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”-Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đẳng cấp là kết nối sự độc đáo
Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại hội nghị về du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hội An tháng 8/2016 với quan điểm “xắn tay áo vào việc”, tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ngày 16/1/2017. Đây là “mệnh lệnh” cho các cấp uỷ đảng, chính quyền phải thực sự vào việc và phải bằng những hành động cụ thể để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự.
“Đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hoá hay làm thị thực (visa) điện tử cũng là phục vụ du lịch chứ không chỉ là đầu tư vào khách sạn, vào các khu du lịch”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần đó cần được đưa vào trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng nêu một số điểm cốt lõi làm nên đẳng cấp, thương hiệu của điểm đến, khu du lịch, đó là sự độc đáo, kết nối và khả năng huy động cộng đồng cùng làm du lịch.
Về kết nối các điểm đến, Phó Thủ tướng hoan nghênh Quảng Nam đã nắm vững tinh thần này và lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam 2017 tối 9/6 cũng không chỉ giới thiệu những nét đặc sắc của tỉnh mà còn của các địa phương khác trong vùng.
“Chúng ta phải kết nối thực sự thì sẽ khắc phục được tình trạng có nhiều sản phẩm du lịch na ná nhau. Ở Quảng Nam có phong trào mỗi xã một sản phẩm, thì từng địa phương có lợi thế riêng về tự nhiên, văn hoá, xã hội cũng phải tìm ra nét độc đáo”, Phó Thủ tướng gợi mở và phân tích thêm về đẳng cấp của một điểm đến, một khu du lịch không hẳn là những cơ sở lưu trú, khách sạn 5-6 sao mà phải tìm được những nét thật độc đáo của điểm đến đó.
“Đến một mức nào đấy, khách du lịch không sang Việt Nam để nằm ở khách sạn 5-6 sao mà họ muốn tìm những thứ rất độc đáo không có ở nơi khác. Và khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài lợi thế tự nhiên, có rất nhiều nét văn hoá độc đáo. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra và kết nối, bổ trợ cho nhau thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề cập đến vai trò cộng đồng làm du lịch từ kinh nghiệm thành công từ Hội An.
“Cộng đồng làm du lịch thì đầu tiên là đời sống của người dân được cải thiện, đó là cái được lớn nhất. Và vì thế chúng ta phải tháo bỏ tất cả những vướng mắc hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. Đây chính là giá trị độc đáo của từng điểm đến. Để có được Hội An ngày hôm nay không phải một lúc làm được”.
Chia sẻ quan điểm của TS. Trần Du Lịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những người trực tiếp làm du lịch từ hướng dẫn viên đến phục vụ khách sạn, lễ tân… góp phần quyết định đẳng cấp của một điểm đến, một cơ sở lưu trú.
“Đương nhiên chúng ta cần có những thay đổi để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, ngoại ngữ tốt nhưng cũng có những thứ rất đơn giản như thái độ phục vụ tôn trọng người khác, tác phong nhanh nhẹn, sạch sẽ đem lại cho du khách cảm giác ấm áp, được chăm sóc thực sự thay vì chỉ cần xây khách sạn to đẹp, hoành tráng”, Phó Thủ tướng trao đổi và cho rằng về lâu dài cần đổi mới hoạt động đào tạo nhân lực du lịch theo hướng linh hoạt gắn doanh nghiệp và nhà trường, “vừa học, vừa làm” và kể cả một người làm quản lý lễ tân, quản lý buồng, phòng nếu có kinh nghiệm hoàn toàn có thể được mời giảng dạy.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý vai trò quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong tham gia xây dựng thương hiệu, đẳng cấp của du lịch Việt Nam từ chấm sao, xếp hạng khách sạn, cấp chứng chỉ hành nghề du lịch đến xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng, chính quyền địa phương…
“Hiệp hội là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp và nhà nước. Tôi mong rằng Hiệp hội Du lịch tới đây tích cực cùng các doanh nghiệp thành viên, các bộ ngành, địa phương cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thật cụ thể, với tinh thần phải phấn đấu du lịch trở thành ngành mũi nhọn. Và tôi rất có lòng tin du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian tới sẽ có bước tiến bộ nếu chúng ta huy động được cộng đồng, mỗi nơi tìm điểm độc đáo của mình và cùng nhau kết nối lại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()