Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 954.000 lượt người
Tính chung 7 tháng của năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2022 đạt 352.600 lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp hơn 47 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 7 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 87,1%, gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng của năm 2022 ước đạt 324,9 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình (riêng doanh thu tháng 7/2022 ngành này tăng 134,7% so với cùng kỳ năm 2021).
Doanh thu du lịch, lữ hành 7 tháng của năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.
Tổng cục Du lịch cũng thông tin cho biết: Dữ liệu từ Google chỉ ra rằng lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng. Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 3/2022, lượng tìm kiếm chỉ đạt 25 điểm, nhưng chỉ sau đó một tháng đã tăng gần gấp đôi ở mức 48 điểm.
Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào những tháng sau đó, tháng 5/2022 đạt 78 điểm và đạt 98 điểm vào đầu tháng 6/2022, lên mức 100 điểm vào đầu tháng 7/2022, tăng gấp 4 lần thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế. Xu hướng tương tự diễn ra đối với lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam. Đến đầu tháng 7/2022, lượng tìm kiếm đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã giao Tổng cục Du lịch trong thời gian còn lại của năm 2022 cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt là làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch (dự kiến vào đầu năm 2023), đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng…/.
Ý kiến ()