Khách hàng được giám sát quy trình giải quyết khiếu nại doanh nghiệp
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi còn bổ sung một số quy định nhằm khuyến khích người tiêu dùng, các tổ chức xã hội sử dụng việc khởi kiện tại Tòa án.
Thời gian qua, tuy có tới 80-85% vụ việc người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua, bán, sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã đạt được thỏa thuận với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm nhưng hiệu lực, hiệu quả của những thương lượng này chưa cao.
Cùng với đó, nhiều trường hợp cố tình bỏ qua việc bồi thường thiệt hại, khiến thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng. Vì vậy, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi (Dự thảo Luật) được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập này.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Dự thảo luật lần này quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức xã hội, cụ thể là các hội bảo vệ người tiêu dùng hỗ trợ trong quá trình tổ chức thương lượng với doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong trường hợp đến thời hạn mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện, Dự thảo luật hiện tại bên cạnh giữ nguyên quy định thời hạn 7 ngày làm việc, đã có một số nhóm quy định mới.
Cụ thể như việc quy định doanh nghiệp phải xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, nêu rõ các bước giải quyết khiếu nại và đăng tải công khai quy trình này trên các phương tiện truyền thông của đơn vị, doanh nghiệp để người tiêu dùng nắm được.
Ngoài việc thương lượng, hòa giải, phương thức sử dụng đến Tòa án thời gian qua chưa được người tiêu dùng sử dụng vì những lý do thủ tục phức tạp, phải tạm ứng án phí, Dự thảo luật lần này đã đề ra nhiều quy định nhằm cải thiện tình trạng trên.
Cũng theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Luật còn bổ sung một số quy định nhằm khuyến khích người tiêu dùng, các tổ chức xã hội sử dụng việc khởi kiện tại Tòa án.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất thêm một quy định trong Dự thảo luật là tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng sẽ được sử dụng chung cho việc bảo vệ người tiêu dùng.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương soạn thảo có 7 chương, 80 Điều. Dự thảo đã nhận ý kiến đóng góp của 21/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ý kiến đóng góp của 54/63 ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hàng trăm ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhiều cá nhân có liên quan.
Dự kiến, trong tháng Tư này, Hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được gửi để thực hiện thủ tục thẩm định tại Bộ Tư pháp./.
Ý kiến ()