Thứ 7, 23/11/2024 19:05 [(GMT +7)]
Khắc phục yếu kém trong phát triển giáo dục và đào tạo ở Sơn La
Thứ 2, 21/06/2010 | 15:55:00 [(GMT +7)] A A
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) một số tỉnh miền núi phía bắc có nhiều chuyển biến tích cực thì Sơn La vẫn thuộc một trong những tỉnh giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém.
Giải pháp thật sự hữu hiệu để GD và ĐT Sơn La vươn lên, không chỉ là khắc phục những khó khăn cố hữu do đặc thù vùng núi cao biên giới mà cần khắc phục cả những yếu kém của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Sơn La thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc với hàng loạt dãy núi cao gần nghìn mét gối nhau xen lẫn các thung lũng và sông suối nhỏ gồm 12 dân tộc sinh sống. Trong khi đời sống kinh tế của người dân các dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn, có nơi vẫn còn thiếu đói, việc kiếm kế sinh nhai để no cái bụng, ấm cái thân đã khiến họ quanh năm bán mặt cho nương rẫy, bán lưng cho trời, còn tâm trí đâu để mặn mà với chuyện con chữ ở trường. Mặt khác, do địa hình phức tạp, nhiều trường còn cách xa các điểm bản hàng chục cây số khiến cho học sinh phải leo đèo dốc để đến lớp. Trong tổng số 765 trường học, với gần 12 nghìn phòng học của tỉnh thì chỉ có hơn 4,5 nghìn phòng học kiên cố, số phòng học tạm và xuống cấp vẫn còn hơn 4,4 nghìn, chiếm hơn 37%. Riêng với giáo dục mầm non, toàn tỉnh còn 9,2% số xã chưa có trường mầm non tách riêng mà vẫn phải học nhờ, tạm. Một điều đáng nói nữa là tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc học mầm non, THPT rất thấp, nhất là ở các địa bàn vùng cao, biên giới vùng đặc biệt khó khăn. Năm học 2009-2010, tỷ lệ huy động các em trong độ tuổi đi nhà trẻ của tỉnh mới đạt 11,5%, mẫu giáo 87,6% và THPT cũng mới đạt 58%. Càng lên các cấp học cao hơn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số càng giảm. Mặt khác, Sơn La cũng thuộc các tỉnh có số học sinh phổ thông bỏ học cao nhất cả nước, với 1.782 học sinh bỏ học trong năm học 2009-2010 gồm 227 học sinh tiểu học, 665 học sinh THCS và 890 học sinh THPT. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Sơn La cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì vậy, kết thúc học kỳ một năm học 2009 – 2010, tỷ lệ học sinh có học lực yếu của cấp tiểu học vẫn còn chiếm khoảng 10%, học lực yếu của cấp THPT chiếm 4,4%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2009 của Sơn La thấp nhất cả nước chỉ đạt 39,07% đối với hệ THPT và đạt 6,58% đối với hệ bổ túc THPT.
Những yếu kém khiến chất lượng giáo dục luôn ở mức thấp, đòi hỏi Sơn La cần nhìn nhận một cách khách quan các nguyên nhân và xác định được các giải pháp khắc phục, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Sơn La, Cầm Thị Sơn, nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của GD và ĐT tỉnh Sơn La, ngoài đặc thù vùng núi cao khó khăn còn do sự yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo ở một số địa phương; bộ phận cán bộ quản lý giáo dục chưa được đào tạo cơ bản và đồng bộ, kiến thức quản lý, lý luận chính trị, thiếu kinh nghiệm và nhất là chậm đổi mới tư duy và phương thức quản lý. Một bộ phận giáo viên vẫn còn chậm đổi mới phương pháp, trình độ đào tạo qua nhiều hình thức như đào tạo cấp tốc, đào tạo dưới chuẩn còn chiếm tỷ lệ cao… Việc dạy và học cũng như thi cử của tỉnh Sơn La còn nặng về thành tích, chậm được khắc phục. Vì vậy, ngành GD và ĐT tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong hè và trong năm học. Lồng ghép các nội dung cần bồi dưỡng vào nội dung tập huấn hiệu trưởng và tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm về quản lý giáo dục ở các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đối với phát triển đội ngũ giáo viên, Sơn La triển khai thành lập Hội đồng bộ môn của từng môn học trong từng cấp học để tham gia chỉ đạo, tập huấn, thanh tra, kiểm tra đối với bộ môn, bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên, học sinh tại các trường vùng sâu, vùng xa về chuyên môn, phương pháp giảng dạy khi có yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các vùng đặc biệt khó khăn. Sở GD và ĐT cũng tích cực tổ chức cho các địa phương thao giảng cấp cơ sở, đánh giá năng lực giáo viên một cách chính xác, công khai. Mặt khác, toàn tỉnh thực hiện khảo sát chất lượng các môn văn hóa cơ bản đầu năm để lập kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu kém theo từng bộ môn. Thực hiện giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ 80% xuống còn 60% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, khuyến khích học sinh tốt nghiệp bổ túc THCS, tốt nghiệp chương trình phổ cập THCS vào học tại các trung tâm GDTX huyện, thành phố. Tăng cường các biện pháp duy trì sĩ số; động viên học sinh ra lớp, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Đưa chỉ tiêu bảo đảm trẻ em trong độ tuổi ra lớp vào hương ước, chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa tới từng bản, từng tiểu khu xã phường. Riêng đối với số học sinh yếu kém, cần tổ chức phụ đạo, nhất là việc bồi dưỡng cho học sinh dân tộc từng tuần, tháng, học kỳ… trên cơ sở những kiến thức còn hổng của học sinh. Giáo viên được cử bồi dưỡng phụ đạo học sinh yếu kém phải là những giáo viên dạy khá, giỏi, có tâm huyết, yêu nghề và phải có kế hoạch, giáo án chi tiết khi tham gia bồi dưỡng. Trong kiểm tra đánh giá, cần được đổi mới, tránh bệnh thành tích. Việc kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và đánh giá được ba mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng; tích cực tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về chất lượng giữa các trường trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra đánh giá chất lượng nhằm từng bước đưa giáo dục Sơn La vươn lên.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()