Đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ
- Những ngày qua, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Ngay khi nước rút, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân các địa phương đã nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mưa lớn sau cơn bão số 3 đã gây ngập úng tại một số địa bàn của một số huyện, thành phố. Trong đó, thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định), thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) và thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng)... bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời điểm nước rút cũng chính là lúc người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác động vật phân hủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân, các đơn vị thu gom rác trên địa bàn tỉnh đã chủ động quét dọn, thu gom chất thải.
Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Vệ sinh môi trường sau bão lũ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, sau khi nước rút, phòng đã tham mưu Sở TN&MT có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về bảo đảm vệ sinh môi trường và khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa, khu dân cư theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc khử trùng nhà ở bằng dung dịch khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.
Với nỗ lực của đơn vị chức năng và người dân, vấn đề môi trường tại các địa phương bị ngập lụt cơ bản đảm bảo vệ sinh, rác thải đã được thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết; các địa phương cũng đang tích cực thực hiện phun tiêu độc khử trùng; các đơn vị thu gom rác đang huy động phương tiện thu gom, vận chuyển rác đến địa điểm xử lý theo quy định.
Chi Lăng là một trong những huyện chịu tác động nặng nề của hoàn lưu sau cơn bão số 3. Mưa lớn khiến mực nước lũ trên sông Thương dâng cao làm một số cơ quan, trường học và 2.500 hộ dân bị ngập lụt. Theo ước tính, thời điểm sau khi nước rút, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện tăng gấp đôi so với ngày thường (khoảng 40 tấn/ngày). Với tinh thần “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”, các lực lượng đã hỗ trợ người dân thu gom, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau cơn bão.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Sau mưa lũ, huyện đã yêu cầu đơn vị phụ trách thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huy động 100% nhân lực, xe chuyên dụng để thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện cung cấp kịp thời CloraminB cho các hộ để vệ sinh nhà cửa và xử lý nguồn nước; phun hóa chất diệt côn trùng... Đến thời điểm này, các gia đình bị ngập lụt đã cơ bản dọn dẹp xong nhà cửa, vệ sinh các tuyến đường tại khu dân cư. Các công ty môi trường đang khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, phấn đấu trong 1 tuần sẽ xử lý xong toàn bộ rác thải trên địa bàn.
Huyện Văn Lãng cũng có gần 800 ngôi nhà, trên 620 ha lúa và hơn 148 ha hoa màu bị ngập úng. Sau khi nước rút, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh môi trường đảm bảo không phát sinh, lây lan dịch bệnh; yêu cầu các đơn vị phụ trách thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ người dân thu gom rác. Hiện các đơn vị thu gom và người dân đã cơ bản dọn dẹp, thu gom xong lượng lớn rác thải khi nước rút.
Chị Đỗ Thị Thảo, khu 1, thị trấn Na Sầm cho biết: Ngay sau khi nước rút, gia đình tôi đã tiến hành dọn rửa bùn đất trong nhà, lau chùi các thiết bị, đồ vật bị ngập trong nước; tham gia cùng các hộ dân thu gom rác thải tại khu phố để đảm bảo vệ sinh môi trường, sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, công tác dọn dẹp trong gia đình và vệ sinh khu phố đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo môi trường trong lành ở khu dân cư.
Tương tự, tại thành phố Lạng Sơn, một số hộ dân và 1.200 tiểu thương chợ Giếng Vuông cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn. Khi nước rút, các hộ dân và tiểu thương đã nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Chị Lộc Thị Định, ki ốt số 101, chợ Giếng Vuông cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ sáng 9/9, khi nước rút, chúng tôi đã cùng nhau dọn dẹp, thu gom các loại rác phát sinh từ khu vực chợ. Nước rút đến đâu, chúng tôi quét dọn, thu gom rác tới đó. Nhờ sự chủ động của các tiểu thương cùng sự hỗ trợ của công nhân vệ sinh môi trường và cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, đến nay các khu vực trong chợ đều đã cơ bản được dọn dẹp, thu gom rác đảm bảo khôi phục lại hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Cùng với chính quyền, người dân các địa phương, các đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cũng huy động công nhân, phương tiện hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục, đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão lũ. Hiện nay, 15 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh đang huy động 100% nhân lực, máy móc để dọn dẹp vệ sinh môi trường thu gom rác thải, cành cây gãy đổ do bão lũ gây ra.
Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Lạng Sơn cho biết: Đơn vị thực hiện thu gom rác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và một phần trên tuyến đường tỉnh 232 (huyện Văn Lãng). Do ảnh hưởng của mưa bão, trạm trung chuyển rác thôn Nà Pàn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn và cầu Na Sầm, huyện Văn Lãng bị ngập nên trong ngày 8/9, đơn vị đã phải tạm dừng hoạt động thu gom rác. Từ sáng 9/9, sau khi nước sông Kỳ Cùng rút, đơn vị đã huy động 160 công nhân, 15 xe chở rác chia thành 3 ca luân phiên thu gom rác thải phát sinh. Sau mưa lũ, nước rút, lượng rác thải tăng gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường (khoảng 250 tấn/ngày). Trong 5 ngày tới, đơn vị tiếp tục duy trì số lượng công nhân, phương tiện thu gom rác đảm bảo các tuyến đường xanh, sạch, đẹp trở lại.
Hiện nay, các địa bàn bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh cơ bản nước đã rút hết. Khối lượng rác thải sau lũ thường tăng lên đột biến, gấp 2 – 3 lần ngày thường. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo người dân, các đơn vị thu gom, xử lý rác trên địa bàn tăng cường nhân lực, trang thiết bị để thu dọn bùn đất, rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh bệnh dịch.
Ý kiến ()