Khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở An Giang
Giáo viên bậc tiểu học, nhất là giáo viên dạy thể dục ở An Giang đang rất thiếu. |
Hiện nay, tỉnh An Giang có hơn tám nghìn giáo viên tiểu học, khoảng bảy nghìn giáo viên THCS, ba nghìn giáo viên THPT và hơn 1.800 giáo viên mầm non. Với số lượng giáo viên nêu trên, ở cấp THCS và THPT bảo đảm tốt nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học và mầm non lại luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Trong đó, năm 2012, toàn tỉnh cần tuyển 250 giáo viên tiểu học, nhưng con số sinh viên trong tỉnh dự kiến tốt nghiệp chỉ khoảng 160 người. Bên cạnh đó, hệ mầm non cần khoảng 160 giáo viên nhưng số ra trường đăng ký vào dạy các trường mầm non rất thấp. Vì vậy, nhiều trường tiểu học, mầm non không thể triển khai chương trình dạy hai buổi/ngày theo quy định. Trong khi bậc tiểu học và mầm non luôn “khát” giáo viên thì bậc THPT và THCS số sinh viên sư phạm tốt nghiệp lại luôn trong tình trạng “ế ẩm”. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, cho biết: Hằng năm, ngành giáo dục của tỉnh đã tận dụng tất cả mọi sự sắp xếp, trong đó đưa người tốt nghiệp ĐH xuống dạy THCS và người tốt nghiệp CĐ ngành tiếng Anh, Tin học… dạy tiểu học nhưng vẫn còn dư hồ sơ tốt nghiệp của sinh viên ra trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa – thiếu giáo viên ở An Giang nhưng quan trọng nhất là do ngành giáo dục không kiểm soát được tình hình. Nổi bật là công tác dự báo nhu cầu làm cơ sở cho trường ĐH An Giang lên kế hoạch đào tạo, có khoảng cách khá xa với thực tế. Mặt khác, dù việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm hằng năm (khoảng 700 đến một nghìn chỉ tiêu) ở An Giang dựa trên hàng loạt tiêu chí về dân số, độ tuổi trẻ đến trường, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ giáo viên về hưu… nhưng tình trạng thừa – thiếu vẫn xảy ra. Đáng chú ý, theo Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Sở GD và ĐT tỉnh An Giang) Phan Văn Sơn: Hằng năm, sở luôn phối hợp với ĐH An Giang điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm nhưng không mang lại hiệu quả, vì vấn đề đã vượt khỏi tầm kiểm soát của một tỉnh. Những năm vừa qua, hàng loạt trường ĐH khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ các trường CĐ sư phạm, cho nên số lượng chiêu sinh ngành sư phạm trình độ ĐH, CĐ của các trường là chủ yếu dẫn đến tình trạng “cung” vượt “cầu” quá nhiều.
Việc “cung” vượt “cầu” đang diễn ra nhưng nếu không có những dự tính, dự báo chính xác từ phía các ngành, địa phương thì một vài năm tới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên THPT và THCS do hiện nay người học đang “quay lưng” với ngành sư phạm. Theo ông Phan Văn Sơn: Trong vài năm tới, An Giang chắc chắn sẽ thiếu giáo viên hệ THPT, THCS khi thí sinh đang chê không đăng ký dự thi vào ngành sư phạm. Đơn cử kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của trường ĐH An Giang có đến bốn ngành sư phạm nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành sư phạm còn lại có số lượng hồ sơ đăng ký cao hơn chỉ tiêu nhưng không đáng kể.
Giải quyết vấn đề thiếu, thừa giáo viên ở An Giang chính là vấn đề chung của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, các tỉnh trong khu vực cần có sự dự tính, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ở từng cấp học, bậc học tương đối chính xác của các địa phương. Mặt khác, các trường ĐH, CĐ trong khu vực cần “ngồi lại với nhau” trong việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh thực tế hằng năm. Thực hiện chính sách thi tuyển cộng với các chính sách ưu đãi đặc thù cho giáo viên và ngành sư phạm tốt hơn so với mặt bằng chung xã hội.
CÓ thể nói, ngành giáo dục tỉnh An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung đang đứng trước thực trạng rối… như canh hẹ trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm trong ngành giáo dục. Khi mà từng địa phương không thể tự giải quyết được, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các trường ĐH trong vùng tuyển sinh cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm đã phát sinh cho nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp diễn ra khó kiểm soát. Do đó, đã đến lúc cần sự hỗ trợ từ Bộ GD và ĐT cũng như các cấp, các ngành, địa phương để giải bài toán đồng bộ này.
Ý kiến ()