Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học cấp tiểu học
– Theo chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, với yêu cầu học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải học môn tiếng Anh và tin học. Do đó tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu giáo viên 2 bộ môn này. Ngành giáo dục đã triển khai các giải pháp trước mắt, để đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục.
Tiết học Tin học của học sinh Trường Tiểu học xã Tri Phương, huyện Tràng Định
Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 247 trường có lớp tiểu học (có 282 điểm trường lẻ), với 3.203 lớp và hơn 74 nghìn học sinh; trong đó có 133 trường tiểu học. Tiểu học là cấp thiếu nhiều giáo viên nhất trong các cấp học của tỉnh, hiện cấp tiểu học thiếu 393 giáo viên, trong đó thiếu 35 giáo viên tiếng Anh và 58 giáo viên Tin học.
Giáo viên dạy kiêm nhiều trường
Trường Tiểu học Thất Khê, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định năm học 2023 – 2024 có 21 lớp học với gần 700 học sinh, 32 giáo viên. Trong đó trường không có giáo viên bộ môn dạy tiếng Anh và tin học. Hai môn này nhà trường đều phải đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tăng cường, điều động giáo viên từ trường khác đến dạy. Cô Nông Thị Thu, giáo viên Trường Tiểu học Tri Phương (đến dạy tăng cường tại Trường Tiểu học Thất Khê) cho biết: Hiện nay Trường Tiểu học Tri Phương có 1 cơ sở chính và 2 điểm trường, tôi là giáo viên dạy Tin học duy nhất của trường. Trong một tuần tôi dạy tại Trường Tiểu học Tri Phương 11 tiết còn Trường Tiểu học Thất Khê là 7 tiết. Có những hôm đi lại nhiều điểm trường, rất vất vả, nhưng vì nhiệm vụ, vì học sinh tôi luôn cố gắng đảm bảo các tiết học.
Không riêng Trường Tiểu học Thất Khê, năm học này, huyện Tràng Định có 8 trường tiểu học thiếu giáo viên Tin học. Ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Hiện nay, huyện có 26 trường có bậc tiểu học. Tại cấp tiểu học, môn Tin học, tiếng Anh là 2 môn thiếu nhiều giáo viên nhất. Các trường tiểu học đều có giáo viên tiếng Anh nhưng hầu hết chỉ có 1, khi giáo viên nghỉ ốm lại thiếu giáo viên. Thêm nữa đa số giáo viên tiếng Anh dạy vượt định mức do hầu hết các giáo viên dạy trường liên cấp phải dạy tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và một số giáo viên phải dạy liên trường. Số viên chức trúng tuyển các năm còn ít, chưa đạt đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, nhất là môn Tin học và tiếng Anh không đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển, không có hồ sơ hợp đồng giáo viên tiếng Anh.
Không chỉ huyện Tràng Định, mà tại 10/10 huyện đều thiếu giáo viên dạy bộ môn Tin học, tiếng Anh cấp tiểu học (riêng thành phố không thiếu giáo viên tin học cấp tiểu học).
Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 247 trường có lớp tiểu học (133 trường tiểu học; 34 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học; 29 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học và THCS; 50 trường tiểu học và THCS; 1 trường mầm non – tiểu học tư thục. Số lượng giáo viên văn hoá: 3.370; giáo viên đặc thù: 1.293; giáo viên ngoại ngữ: 352; giáo viên tin học 125. Còn thiếu 35 giáo viên tiếng Anh; 58 giáo viên tin học. |
Linh hoạt các giải pháp
Trước tình trạng trên ngành GD&ĐT tỉnh cũng có một số giải pháp như điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động giáo viên môn tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn học của cấp tiểu học.
Hằng năm, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GD&ĐT ban hành, bảo đảm 100% giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi được phân công giảng dạy. Các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế, linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu để giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường đảm bảo giờ lên lớp, chương trình môn học.
Hữu Lũng là huyện thiếu nhiều giáo viên môn Tin học, tiếng Anh cấp tiểu học nhất trên địa bàn tỉnh. Bà Phan Thị Tính, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Năm học này huyện Hữu Lũng thiếu 19 giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học. Trong đó thiếu nhất tập trung tại các đơn vị có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, trường cách xa trung tâm huyện. Trước thực trạng đó Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, như phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyên tuyển dụng viên chức; bổ sung hợp đồng lao động; phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ dạy học liên trường với tinh thần trường đủ hỗ trợ trường thiếu, trường thiếu ít hỗ trợ trường thiếu nhiều. Chúng tôi đã cử 7 giáo viên tiểu học và 5 giáo viên THCS đi đào tạo văn bằng 2 môn Tin học. Đồng thời, quan tâm động viên giáo viên về tinh thần, chế độ chính sách (chế độ thêm giờ) để giáo viên yên tâm công tác và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trước tình trạng thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh bậc tiểu học, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, xác định cụ thể số lượng, độ tuổi của giáo viên dư thừa ở từng trường để điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu trong địa bàn huyện, thành phố hoặc bố trí, phân công giáo viên THCS dạy liên trường đáp ứng yêu cầu về giáo viên theo cơ cấu bộ môn dạy thêm giờ ở trường tiểu học. Đồng thời hằng năm thẩm định, phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng đảm bảo bổ sung giáo viên các chuyên ngành còn thiếu theo yêu cầu và giao chỉ tiêu hợp đồng giáo viên đủ số lượng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tạm thời. Chúng tôi đã phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên triển khai mở lớp đào tạo văn bằng 2, trong đó có môn Tin học, tiếng Anh. Sở đã kiến nghị, đề xuất đối với Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ và đề xuất với Bộ Nội vụ giao đủ biên chế theo định mức các cấp học, tính tới yếu tố đặc thù của địa phương miền núi nhiều điểm trường, lớp ghép để đảm bảo định mức người làm việc theo quy định.
Mặc dù thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học nhưng ngành GD&ĐT đã nỗ lực khắc phục khó khăn bảo đảm 100% học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh được học 2 môn này theo quy định Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai giải pháp đồng bộ, linh hoạt bố trí giáo viên đảm bảo yêu cầu chương trình, chất lượng giáo dục nói chung và hai bộ môn này nói riêng.
Ý kiến ()