Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh miền núi phía bắc
Đưa học sinh từ điểm lẻ về trường chính để học; điều động giáo viên dạy tăng tiết ở nhiều trường; cử giáo viên đi học văn bằng 2, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên các môn: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất… Đó là các giải pháp mà các tỉnh miền núi phía bắc đang thực hiện để bảo đảm yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018). Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần những giải pháp ở tầm vĩ mô và căn cơ hơn.
Do thiếu giáo viên, cô Trần Thị Thu Huyền, giáo viên môn Tin học, Trường tiểu học Mường Vi phải dạy cho cả học sinh Trường trung học cơ sở Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). (Ảnh QUỐC HỒNG) |
Tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất… khiến cho sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” ở vùng cao đã khó lại càng thêm khó.
Thầy, trò đều vất vả
Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tả Giàng Phình nằm cách trung tâm thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khoảng 20km, hầu hết học sinh ở đây là người dân tộc H’Mông, Dao. Do chưa tuyển dụng được giáo viên mới cho nên tất cả các tiết học Ngoại ngữ ở trường đều do cô giáo Vũ Thị Thúy giảng dạy. Mỗi tuần cô Thúy phải dạy 24 tiết tại 11 lớp, nhiều hơn 7 tiết học so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khiến cô bị quá tải công việc. Hiệu trưởng Nguyễn Vỹ Nam cho biết, trường thiếu nhiều giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, do vậy các giáo viên phải “chạy sô” liên tục để bảo đảm chương trình, ảnh hưởng sức khỏe và việc chăm sóc gia đình.
Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Lê Mạnh Trường, tỉnh đang thiếu 842 biên chế giáo viên. Phần lớn là giáo viên các môn chuyên biệt: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Tỉnh có 36 trường trung học phổ thông, nhưng hiện chỉ có một giáo viên môn Âm nhạc và không có giáo viên Mỹ thuật. Trong khi đó, từ năm học 2022-2023, đây lại là những môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tỉnh Hà Giang hiện đang thiếu 2.443 giáo viên so với nhu cầu. Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương trong tỉnh đã thông báo tuyển giáo viên các môn học, cấp học còn thiếu. Tuy nhiên, do không có nguồn tuyển đối với giáo viên môn Tiếng Anh, cho nên năm học 2022-2023, tỉnh thiếu 197 giáo viên bộ môn này.
Huyện vùng cao Mèo Vạc hiện chỉ có một giáo viên Tiếng Anh tiểu học, trong khi huyện có 18 trường tiểu học với 76 lớp 3 bắt buộc phải học Tiếng Anh. Ông Bùi Minh Thư, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: “Phòng cũng tính đến phương án bố trí giáo viên Tiếng Anh của các trường trung học cơ sở dạy trực tiếp, trực tuyến cho các trường tiểu học. Nhưng nếu như vậy thì dẫn đến tình trạng quá tải đối với đội ngũ giáo viên Tiếng Anh trung học cơ sở, vì bình quân mỗi trường cũng chỉ có một giáo viên dạy môn này”.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang học Tiếng Anh trực tuyến với cô giáo Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) dưới sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm. (Ảnh KHÁNH TOÀN) |
Vì thiếu giáo viên, từ năm học 2022-2023, cô giáo Nông Thị Bích Hạnh, giáo viên môn Tiếng Anh Trường tiểu học và trung học cơ sở Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) được phân công dạy thêm môn này ở Trường tiểu học và trung học cơ sở Đồng Thắng. Khoảng cách từ trường Bằng Phúc tới Trường Đồng Thắng là khoảng 30km.
Đi từ Bằng Phúc đến Đồng Thắng phải vượt nhiều dốc, đổ nhiều đèo, vào mùa đông sương mù giăng dày đặc, có lúc không nhìn thấy đường. Cô Hạnh năm nay đã 50 tuổi, phải đi lại khoảng cách xa như vậy rất vất vả, trong khi không được hỗ trợ thêm tiền xăng xe. Từ khi di chuyển dạy liên trường, cô Hạnh đã bị ngã xe máy ba lần, giờ chân vẫn đau mỗi khi trái gió, trở trời.
Việc thiếu giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ khiến các thầy, cô giáo vất vả, mà còn tạo khó khăn cho học sinh vùng cao. Tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, trong năm học 2022-2023, Trường tiểu học Xuân Lạc đã phải dồn một số lớp ở các điểm trường lẻ về trường chính để thuận lợi học môn Tin học.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Lạc, Lưu Thị Uyên cho biết, chỉ ở trường chính mới có phòng máy tính để học môn Tin học. Việc đưa các em về học tại trường chính, đồng nghĩa với việc nhiều em phải đi học rất xa. Mỗi tuần các em có một ngày phải đi bộ khoảng 16km cả đi lẫn về, để về trường chính học Tin học. Thầy, cô giáo rất xót xa, nhưng cũng không có cách nào khác vì không thể vận chuyển máy tính đến từng điểm trường lẻ được. Giải pháp duy nhất mà các thầy, cô của trường đang áp dụng là kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ mua xe đạp cho các em đi lại.
Nhiều giải pháp khắc phục
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các huyện, thành phố ở tỉnh Hà Giang bố trí giáo viên Tiếng Anh dạy học trực tuyến ở những nơi thuận lợi, có đủ trang, thiết bị, điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, đồng thời bố trí giáo viên đến dạy học trực tiếp ở những nơi không có điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc đã liên hệ và được Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) nhận lời hỗ trợ dạy trực tuyến môn Tiếng Anh từ điểm cầu Hà Nội. Từ đầu năm học 2022-2023, Trường Marie Curie đã tuyển 20 giáo viên Tiếng Anh dạy trực tuyến cho 18 trường tiểu học trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Mỗi tuần, học sinh lớp 3 sẽ học trực tuyến ba tiết với các giáo viên Trường Marie Curie; học một tiết trực tiếp do giáo viên các trường trung học cơ sở giảng dạy.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều cho rằng, việc điều động, biệt phái, giáo viên dạy kiêm nhiệm nhiều trường, nhiều lớp, dạy học trực tuyến… chỉ là những giải pháp tình thế. Để bảo đảm chất lượng giáo dục và duy trì ổn định công tác dạy và học thì cần bổ sung số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế của các trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết: “Từ năm 2019, ngành đã rà soát và cử hơn 300 giáo viên phổ thông đi đào tạo văn bằng 2 các môn: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đến cuối năm 2022, đội ngũ này hoàn thành chương trình đào tạo sẽ về tỉnh giảng dạy, giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, đề xuất phương án để xin chủ trương tuyển dụng giáo viên trong số chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng”.
Cuối tháng 10/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỉnh cũng quy định viên chức được cử đi đào tạo trình độ đại học phải cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp hai lần thời gian đào tạo. Tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng chính sách mới này sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho công tác dạy và học trên địa bàn. Trong tháng 10/2022, tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học, đưa tối đa học sinh từ lớp 3 ra trường chính để tạo điều kiện học sinh được học môn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngay khi kết thúc học kỳ II năm học 2021-2022, tỉnh Lào Cai đã tổ chức thi tuyển giáo viên đợt 1 cho năm học 2022-2023, nhưng do thiếu nguồn, cho nên chỉ tuyển dụng được 231 người. Gần 270 giáo viên còn thiếu nằm ở những cấp học còn lại, chủ yếu là giáo viên các môn chuyên biệt. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, Ngô Hữu Tuyên cho biết, tỉnh đã có phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 ngay trong học kỳ I năm học này, chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương thiếu giáo viên đến đâu thì ký hợp đồng đến đó, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp ở tất cả ngành học, cấp học.
Ý kiến ()