Khắc phục tình trạng tảo lam độc xuất hiện ở Hồ Hoàn Kiếm
Ngày 20-4, đại diện Trung tâm thử nghiệm môi trường nước (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, từ ngày 16 đến 18-4, trên mặt Hồ Hoàn Kiếm xuất hiện một lớp tảo mỏng mầu xanh (tảo lam độc).
Đây là hiện tượng thường gặp xảy ra trong thời gian đầu sau khi nạo vét hồ. Bởi trong quá trình nạo vét, hồ có nhiều biến động.
Việc nạo vét bùn ở đáy hồ thúc đẩy quá trình giải phóng dinh dưỡng ni-tơ và phốt-pho thụ động trong lớp bùn đáy, làm hòa tan phần dinh dưỡng này vào nước.
Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm cao, phù hợp với sự phát triển hệ thủy sinh trong hồ, dẫn đến một số loại tảo phát triển mạnh, tạo thành lớp mầu xanh nổi trên mặt hồ. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Công ty đã mời các nhà khoa học tìm hiểu và lấy mẫu nước phân tích.
Để xử lý tình trạng này, Công ty đã vận hành máy sục khí, bổ cập nước để hòa tan hàm lượng chất dinh dưỡng có trong hồ, đồng thời hạ thấp cửa xả tràn để lớp váng mầu xanh chảy ra hệ thống thoát nước.
Đến trưa 20-4, lớp tảo mầu xanh trên mặt hồ gần như không còn.
Trước đó, từ cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện nạo vét Hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ hút bùn C2 cải tiến, lấy đi lượng bùn đáy hồ tích lũy lâu ngày, mà vẫn giữ được lớp bùn hoa mỏng phía trên, cho nên không triệt tiêu nguồn sống của hệ thủy sinh trong hồ.
Sau hơn hai tháng hoàn thành nạo vét, chất lượng nước hồ được cải thiện đáng kể. Độ pH trong hồ giảm từ 13 xuống mức khoảng 7, thuận lợi cho sự phát triển của các loại thủy sinh vật.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục cấy tảo lục, loại tảo đặc trưng của Hồ Hoàn Kiếm được lưu trữ trước khi nạo vét, để tạo mầu xanh đặc trưng của hồ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()