Khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải trong giáo dục nghề nghiệp
Ngày 5-11, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 15. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND.
Khuyến khích giáo dục nghề nghiệp
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, nhiều đại biểu QH đề nghị đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu: Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trần Minh Diệu (Quảng Bình) và một số đại biểu lại cho rằng, đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ là một đạo luật mới, vì vậy cần phân tích thấu đáo, tránh trường hợp sau khi Luật ban hành sẽ không có tính khả thi, hoặc trong quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Ðề cập các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp được nêu trong dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo dục nghề nghiệp do hai bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội (quản lý hệ thống dạy nghề, với ba trình độ đào tạo); Giáo dục và Ðào tạo (quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng) quản lý. Ðiều đó dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo, dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề; cao đẳng với cao đẳng nghề là cần thiết.
Về quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Phạm Thị Hải (Ðồng Nai), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề xuất QH xem xét giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý, từ đó giúp việc xây dựng chương trình đào tạo nghề có hệ thống từ bậc mầm non đến đại học, chương trình có tính liên thông, việc phân bổ ngân sách sẽ tập trung vào một đầu mối quản lý. Trong khi đó, các đại biểu: Cù Thị Hậu (Hưng Yên), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu tán thành phương án của Ủy ban Thường vụ QH giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề. Vừa qua, hoạt động này đã mang lại hiệu quả bước đầu về số lượng, chất lượng tay nghề, kỹ năng thực hành của người lao động.
Làm rõ chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND.
Các đại biểu QH tập trung thảo luận về hai hoạt động mới trong Luật MTTQ, đó là chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các ý kiến đều thống nhất, hoạt động giám sát của MTTQ là giám sát mang tính nhân dân, giám sát xã hội, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, hỗ trợ cho công tác giám sát của Nhà nước, góp phần phát hiện những sai sót, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật chưa nêu rõ quy định cụ thể về mục đích, nguyên tắc; đối tượng, nội dung; hình thức giám sát, phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của các bên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Có đại biểu băn khoăn: Liệu có sự chồng chéo, “na ná” giữa đoàn giám sát của MTTQ với các đoàn giám sát của các ủy ban, của Thường vụ QH hay không? Sau mỗi cuộc giám sát có đưa ra kết luận không và hiệu lực pháp lý của kết luận đến đâu? Ðại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, chức năng giám sát của QH là giám sát quyền lực, còn hoạt động giám sát của MTTQ mang tính xã hội, do đó, khi đưa điều này vào Luật cần cẩn trọng, mang tính thực tế và đứng từ góc độ nhân dân để thực hiện chức năng giám sát. Do vậy, cần có quy định cụ thể về chức năng giám sát của MTTQ khác với chức năng giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước, để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô, kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện.
Thảo luận về Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND, các đại biểu cho rằng, Luật cần cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn, điều kiện đối với người ứng cử đại biểu, có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu QH với người ứng cử đại biểu HÐND nhằm nâng cao chất lượng của đại biểu được bầu. Chất lượng QH phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đại biểu, thế nhưng dự thảo Luật về tiêu chuẩn đại biểu QH quá đơn giản sẽ không thể lựa chọn được người có tâm huyết với đất nước, nhân dân, dám nói, dám làm. Ðại biểu Ðỗ Văn Ðương và đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, ngoài các tiêu chuẩn chung cho đại biểu QH và đại biểu HÐND, cần quy định thêm các điều kiện cần và đủ cho người được cơ quan, tổ chức giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu QH, đại biểu HÐND ở từng cấp như về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác.
Ðào tạo mà không gắn với hỗ trợ, tìm kiếm việc làm là sự lãng phí lớn. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý mảng dạy nghề vì hiện tại bộ này đã có sự ký kết, hợp tác tốt với các chủ sử dụng lao động, các cơ sở sản xuất, giải quyết khoảng 80% đến 85% việc làm cho người lao động sau đào tạo. Ðại biểu CÙ THỊ HẬU (Hưng Yên) |
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận phương án tăng tỷ lệ tối thiểu đại biểu chuyên trách lên 35%, nhưng có nhiều ý kiến muốn tăng lên 40%. Tôi cho rằng, xu hướng tăng đại biểu chuyên trách trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND là đúng. Tuy nhiên, dù là đại biểu chuyên trách hay không chuyên trách, Luật cần quy định rõ về thời gian tối thiểu để đại biểu hoạt động tại địa bàn nơi mình ứng cử, cũng như thời gian tối thiểu tiếp xúc, thường xuyên có mối liên hệ với cử tri để lắng nghe ý kiến, chuyển tải ý chí, nguyện vọng cử tri tới Quốc hội. Ðại biểu ÐỖ MẠNH HÙNG (Thái Nguyên) |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()