Khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh
Nhiều dòng kênh ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng bị xả rác thải bừa bãi. Nhiều năm qua, các tuyến kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh luôn luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp cải tạo nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn hết sức nặng nề. Cần có những giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng trên.Những dòng kênh... rácTP Hồ Chí Minh với tên gọi cũ: Sài Gòn - Gia Định được nhiều người biết đến với những dòng kênh thơ mộng, nước trong xanh như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ, Kênh Tẻ... tấp nập xuồng ghe qua lại, buôn bán. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều kênh, rạch bị rác thải "xâm chiếm" dày đặc khiến dòng nước chuyển mầu, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tại nhiều kênh rạch trong nội thành phủ đầy rác thải do người dân sinh sống ven kênh rạch ném xuống vô tội vạ, tạo thành tầng tầng lớp lớp, bốc mùi hôi thối, nguồn nước...
|
Những dòng kênh… rác
TP Hồ Chí Minh với tên gọi cũ: Sài Gòn – Gia Định được nhiều người biết đến với những dòng kênh thơ mộng, nước trong xanh như: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ, Kênh Tẻ… tấp nập xuồng ghe qua lại, buôn bán. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều kênh, rạch bị rác thải “xâm chiếm” dày đặc khiến dòng nước chuyển mầu, tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tại nhiều kênh rạch trong nội thành phủ đầy rác thải do người dân sinh sống ven kênh rạch ném xuống vô tội vạ, tạo thành tầng tầng lớp lớp, bốc mùi hôi thối, nguồn nước ô nhiễm và ẩn chứa nhiều dịch bệnh phát sinh.
Quan sát tại kênh Bà Tiếng, chảy qua phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cho thấy, tình trạng xả rác bừa bãi tại đây đang biến dòng kênh này thành bãi rác công cộng. Dưới lòng kênh, rác thải đủ loại của người dân, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hằng ngày vẫn “vô tư” đổ xuống đang phân hủy bốc mùi nồng nặc. Bà Trần Ngọc Thanh, ngụ tại đường Hồ Ngọc Lãm, phường Bình Trị Đông bức xúc: “Một số hộ dân ý thức kém nên dù được các doanh nghiệp, tổ chức xã hội vớt rác nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đấy khiến hàng trăm hộ khác phải sống trong mùi hôi nồng nặc nhiều năm qua”.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm luật môi trường xả chất thải chưa qua xử lý cũng “góp phần” làm sông, kênh, rạch thêm ô nhiễm trầm trọng hơn. Điển hình như kênh Thầy Cai – An Hạ giáp tỉnh Long An chảy qua khu vực Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, huyện Củ Chi đều đang bị ô nhiễm nặng nề. Các kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại đây cho thấy, nồng độ các chất như: COD (nhu cầu ô-xy hóa học), BOD (nhu cầu ô-xy sinh học), SS (hàm lượng hóa chất lơ lửng), pH… đều vượt đến vài nghìn lần so quy định cho phép. Đáng chú ý, các chất kim loại nặng đo được khi so sánh đều cao hơn năm trước.
Đáng báo động là sông Sài Gòn, nơi cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp và các nhà máy khác trên địa bàn thành phố cũng đang bị ô nhiễm nặng. Theo kết quả khảo sát mới đây của Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hồ Chí Minh thực hiện tại hơn 450 doanh nghiệp cho thấy: Một ngày, tổng lượng nước thải từ các doanh nghiệp này là 61 nghìn m3, chưa kể hơn 100 nghìn m3 nước thải từ chăn nuôi và sinh hoạt của người dân đã đổ thẳng vào sông Sài Gòn. Trong số các doanh nghiệp được kiểm tra chỉ có hơn một nửa có xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng phần lớn chưa đạt yêu cầu. Theo các con số đo đạc, hàm lượng các chất ô nhiễm vi sinh, dầu, nhớt… trên sông đang ngày càng tăng và vượt tiêu chuẩn cho phép. Nếu tình trạng ô nhiễm không sớm được kiểm soát thì nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp trong tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cần những giải pháp quyết liệt
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường được xác định là một trong sáu chương trình mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2015. Cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án dang dở, thành phố đã triển khai hàng loạt dự án khác.
Tháng 3-2010, thành phố đã phê duyệt và giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh triển khai dự án: “Hỗ trợ kỹ thuật vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh – giai đoạn 2: Lập nghiên cứu khả thi xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè”, có tổng công suất 1 triệu 320 nghìn m3/ngày đêm được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ khu vực tư nhân (FASEP) – Chính phủ Pháp theo hai giai đoạn.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở huyện Bình Chánh đang hoạt động (giai đoạn một), có công suất 141 nghìn m3/ngày đêm, xử lý nước thải trên diện tích ba nghìn ha thuộc 11 quận, huyện (1, 3, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh và Bình Chánh). Dự án ở giai đoạn 2 được triển khai sẽ nâng công suất lên 512 nghìn m3/ngày đêm. Dự án Nhà máy xử lý nước Suối Nhum, phường Linh Trung, quận Thủ Đức đang gấp rút triển khai các hạng mục để khởi công xây dựng. Dự án Suối Nhum có tổng mức đầu tư 617 tỷ đồng khi đưa vào hoạt động sẽ xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm bằng phương pháp lấy nước ô nhiễm từ thượng nguồn, nước đạt chất lượng loại A mới thải ra môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm là công tác cần triển khai thường xuyên và quyết liệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; rà soát lại các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nghiêm trọng với môi trường; các nguồn thải nằm trong lưu vực sông Sài Gòn, các nhánh sông, kênh rạch chính trên địa bàn thành phố; các nguồn thải có lưu lượng lớn gây ô nhiễm cao… để đưa ra giải pháp xử lý và chấn chỉnh hiệu quả nhất. Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ tiến hành rút giấy phép, đình chỉ hoạt động sản xuất, thực hiện bồi thường và khắc phục hậu quả gây ra… Trong hoạt động quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện việc phân vùng tiếp nhận nước thải trên các sông, rạch chính của thành phố, nhất là các quận, huyện ngoại thành; điều tra thống kê nguồn thải chính đang gây ô nhiễm cho sông Sài Gòn để tiện cho công tác quản lý và thanh, kiểm tra; phối hợp thực hiện dự án về xây dựng hệ thống cải tạo, hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện; tập trung di dời các ngành nghề gây ô nhiễm trong địa bàn dân cư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()