Khắc phục tình trạng né trách nhiệm, kéo dài thời gian xử lý công việc
Tại phiên chất vấn ngày 5/7, kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, các đại biểu đã chỉ rõ công tác cải cách hành chính của Thủ đô thiếu quy trình nội bộ, tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn rất chậm… Trên cơ sở nhận diện những hạn chế, các đại biểu yêu cầu thành phố sớm có biện pháp khắc phục để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Đại biểu HĐND thành phố phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh VIẾT THÀNH)
Thiếu quy trình nội bộ đã ảnh hưởng tới công việc chung, khiến việc thực hiện thủ tục đầu tư nhiều dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội bị chậm và gián đoạn.
Nhiều dự án chậm được phê duyệt
Hiện nay, thành phố đã ban hành quy trình giải quyết 485 thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị (gọi tắt là quy trình nội bộ), đạt tỷ lệ 78,6%. Còn 132 thủ tục hành chính chưa được ban hành quy trình nội bộ.
Đáng chú ý, nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn, song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít như: Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành sáu quy trình trong tổng số 95 nhiệm vụ quản lý nhà nước; Sở Xây dựng ban hành 11 trong tổng số 80 nhiệm vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành 10 quy trình trong tổng số hơn 50 nhiệm vụ được giao… |
Thiếu quy trình nội bộ đã ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung, khiến việc thực hiện thủ tục đầu tư nhiều dự án trên địa bàn Thủ đô bị chậm. Hiện thành phố còn 60 dự án đã được dự nguồn kinh phí, nhưng chưa trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 135 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đến nay chưa phê duyệt được dự án đầu tư; 14 dự án chuyển tiếp bị kéo dài thời gian triển khai, đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Bày tỏ sự quan ngại về việc nhiều quy trình nội bộ chưa được ban hành, đại biểu Đỗ Minh Tuân chất vấn, các nội dung này đã được Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu phải thực hiện xong trong năm 2022. Đại biểu đề nghị thành phố cho biết nguyên nhân của tình trạng nêu trên và thời gian thực hiện?
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Trương Việt Dũng cho biết, cập nhật mới nhất, đến nay thành phố đã đạt 531 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua. Số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay liên quan sáu sở.
Dự kiến trong tháng 7/2023, 18 thủ tục hành chính liên quan Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và chín thủ tục hành chính liên quan Sở Công thương sẽ được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.
Cùng với quy trình nội bộ, việc xây dựng định mức, đơn giá là cơ sở để nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ tại Hà Nội cũng đang bị chậm.
Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay, thành phố mới chỉ ban hành được 24/248 nhóm định mức kinh tế kỹ thuật, đạt tỷ lệ 9,7%; mới ban hành được 27/226 đơn giá, bằng 11,95%. Điều này đã ảnh hưởng đến lộ trình nâng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. |
Trước yêu cầu của các đại biểu hội đồng, tại phiên chất vấn, giám đốc các sở đã đưa ra lộ trình xây dựng các định mức, đơn giá. Theo đó, 72 định mức kinh tế kỹ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phấn đấu xong trong tháng 7 để kịp trình Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp chuyên đề tháng 9. Sở Thông tin và Truyền thông phấn đấu có thể hoàn thành sớm các nội dung để trình thành phố vào tháng 9. Sở Giáo dục và Đào tạo phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn tất các định mức, đơn giá.
Cải cách hành chính thiếu bền vững
Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chỉ rõ, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX của Thủ đô tuy có sự cải thiện về chỉ số và xếp hạng (từ thứ 10 lên thứ 3), nhưng vẫn còn tới 3/8 chỉ tiêu thành phần sụt giảm.
Còn chỉ số Hài lòng – SIPAS năm 2022 của thành phố Hà Nội xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và chưa có sự cải thiện so với năm 2021 (cũng xếp thứ 30/63). Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam – PAPI năm 2022 của Hà Nội cũng tụt ba bậc với năm 2021.
Đáng lưu ý, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội từ năm 2020 đến nay luôn tụt hạng (năm 2020 xếp thứ 9/63; năm 2021 xếp thứ 10/63, năm 2022 tụt 10 bậc, xếp thứ 20/63). |
Mặt khác, trên địa bàn thành phố, tiến độ thực hiện số hóa dữ liệu quản lý ngành theo kế hoạch như trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch, xây dựng, giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội, dân cư… còn rất chậm, chưa bảo đảm kế hoạch.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, kỳ họp đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; phản ánh những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hình thành trục mô hình “chính quyền số- công dân số”.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn rà soát, phân loại, đánh giá kỹ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đồng thời xác định rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết và tiến độ xử lý.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo phương châm cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, nhất là việc lạm dụng lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để né trách nhiệm và kéo dài thời gian xử lý công việc – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-trang-ne-trach-nhiem-keo-dai-thoi-gian-xu-ly-cong-viec-post761028.html
Ý kiến ()