Khắc phục tình trạng mất an toàn những khu nhà gỗ phường Chương Dương
Nhà tái định cư A2 Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: DUY LINH Đến nay, năm ngày sau trận hỏa hoạn, 30 gia đình ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được nhận tiền hỗ trợ và căn hộ tạm cư tại nhà A2, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Các hộ dân đều rất cảm động vì được bố trí chỗ ở mới với điều kiện sống tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, giá như thành phố sớm triển khai các giải pháp đối với khu vực nhà gỗ này thì các hộ dân không phải đến nhà mới trong cảnh trắng tay...Trợ giúp kịp thời các hộ dân bị cháy nhà Nhà A2, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) mấy ngày qua ồn ào, đông đúc hơn bởi các căn hộ từ tầng 3 đến tầng 6 đang đón những người chủ mới là những hộ dân ở nhà C8 phường Chương Dương tới tạm cư sau trận hỏa hoạn ngày 26-8. 30 hộ gia đình đã nhận chìa khóa căn hộ nhưng phần lớn vẫn chưa dọn đến ở, do chưa có điều kiện thu xếp cuộc sống mới. Sau vụ cháy,...
Nhà tái định cư A2 Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: DUY LINH |
Trợ giúp kịp thời các hộ dân bị cháy nhà
Nhà A2, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) mấy ngày qua ồn ào, đông đúc hơn bởi các căn hộ từ tầng 3 đến tầng 6 đang đón những người chủ mới là những hộ dân ở nhà C8 phường Chương Dương tới tạm cư sau trận hỏa hoạn ngày 26-8. 30 hộ gia đình đã nhận chìa khóa căn hộ nhưng phần lớn vẫn chưa dọn đến ở, do chưa có điều kiện thu xếp cuộc sống mới. Sau vụ cháy, các gia đình đều lâm vào cảnh trắng tay vì tất cả tài sản đã bị lửa thiêu rụi. Nhiều người chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người, phải sống nhờ sự trợ giúp của họ hàng thân thích. Tuy nhiên, hằng ngày họ vẫn tới để lau dọn, kiểm tra điện, nước và đem theo những đồ dùng thiết yếu được mọi người hỗ trợ.
Ngồi một mình trong căn hộ 310 với một cánh tay sưng tấy, bà Bùi Thị Sự, 62 tuổi cho biết: Tôi và các con tới đây ngay từ tối hôm xảy ra vụ cháy. Nhờ anh em họ hàng mỗi người giúp một chút, cho nên trong nhà giờ cũng có những đồ dùng tối thiểu phục vụ sinh hoạt. Song vẫn còn nhiều nỗi lo, vì để ổn định cuộc sống thì còn biết bao nhiêu thứ phải sắm sửa lại. Lo nhất là toàn bộ giấy tờ quan trọng của gia đình gồm sổ hộ khẩu, sổ hưu, giấy tờ nhà, giấy tờ xe… đã bị cháy rụi, không biết có làm lại được không. Sống hơn 40 năm ở khu nhà gỗ phường Chương Dương, mẹ con tôi cóp nhặt từng đồng để mong tìm được chỗ ở khác, sớm thoát khỏi cảnh nhà cửa tồi tàn, chật chội, nguy hiểm rình rập. Chẳng ngờ sự việc xảy ra, mất sạch tài sản bao năm tích cóp, xót xa lắm. Được thành phố bố trí cho chỗ ở mới, chúng tôi mừng vì điều kiện ăn ở được cải thiện. Mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi giải quyết những khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Vợ chồng bác Nguyễn Thị Tuyết Nga đến kiểm tra căn hộ mới trong tâm trạng vẫn còn sợ hãi và nặng trĩu âu lo. Bác Nga cho biết, lúc lửa bốc cháy, vợ chồng bác chỉ kịp chạy người không ra khỏi nhà. Cảnh lửa cháy ngùn ngụt, người la hét hoảng loạn, mọi đồ đạc ra tro hết đến giờ vẫn ám ảnh bác. Tuy còn nhiều lo lắng, nhưng bác Nga tin rằng được sự quan tâm của các ngành, các cấp, cuộc sống của gia đình bác và các hộ dân khác sẽ sớm ổn định.
Chị Nguyễn Thị Hạnh dù không chứng kiến cảnh cháy nhưng mấy ngày nay sống trong tâm trạng ngơ ngác không thể tin được những việc đã xảy ra là sự thật. Chị rớm nước mắt nói: Sáng sớm, vợ chồng con cái kéo ra khỏi nhà, chiều về không tin vào mắt mình khi thấy tất cả đã ra tro. Giờ chuẩn bị vào năm học mới rồi mà tôi vẫn phải gửi các cháu về quê vì mấy hôm nay vợ chồng tôi chưa ổn định được cuộc sống gia đình.
Cần giải pháp lâu dài
Cách đây khoảng 50 năm, 17 khu nhà gỗ, phần lớn là khu tập thể của cán bộ, viên chức các bộ, ngành, được xây dựng tại khu vực ngoài đê sông Hồng, trên địa bàn phường Chương Dương. Sau nhiều năm sử dụng, các khu nhà xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu cho các hộ dân. Do ngôi nhà được lắp ghép bằng gỗ, diện tích ở chật chội, nhiều hộ do nhu cầu bức bách về chỗ ở đã tận dụng mọi diện tích để cơi nới, hệ thống điện cũ nát, chằng chịt, bếp đun nấu tạm bợ trong khi toàn bộ kết cấu nhà làm bằng gỗ… nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao. Kể từ năm 2005 đến nay, đã xảy ra ba vụ hỏa hoạn tại các khu nhà này. Năm 2005, đã xảy ra cháy tại dãy nhà gỗ 4A, năm 2007 xảy ra cháy tại khu nhà 13 và ngày 26-8 vừa qua cháy ở nhà C8, vụ nào cũng gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Việc di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống trong khu nhà nhếch nhác đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản thu hồi hơn 7.900 m2 đất của các nhà gỗ số 1, 2, 3, 4A, 6, 15 và 19 để lập dự án xây dựng, cải tạo. Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án nguồn vốn ngân sách (khi đó thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất) làm chủ đầu tư thực hiện việc di dời các hộ gia đình đến nơi an toàn; phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình thành phố phê duyệt. Các thông tin về dự án đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Chương Dương để người dân nắm được. Thế nhưng, cho đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai, hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong những khu nhà gỗ xập xệ, nhiều nguy hiểm. Nguyên nhân chưa thể triển khai dự án, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, là do vướng mắc thời điểm đó quy hoạch thoát lũ, chỉ giới hành lang thoát lũ chưa được phê duyệt; quy định của các cơ quan chức năng không cho phép xây dựng cao tầng, kiên cố ở khu vực ngoài đê…
Hiện trên địa bàn phường Chương Dương vẫn còn tám khu nhà gỗ. Sau khi xảy ra hỏa hoạn tại nhà C8, những người dân sinh sống trong những khu nhà còn lại đang rất hoang mang, lo lắng, mong muốn chính quyền có những giải pháp bảo đảm an toàn cho cuộc sống của họ. Trước những yêu cầu chính đáng của các hộ dân, ngày 29-8, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng các khu nhà gỗ còn lại, bố trí tái định cư cho các hộ dân và xây dựng công trình công cộng phục vụ nhân dân trong khu vực trên diện tích đất sau khi đã giải phóng mặt bằng. Mặt khác, hiện quy hoạch hành lang thoát lũ, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn ở khu vực này. Rất mong TP Hà Nội kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền quận Hoàn Kiếm nhanh chóng vào cuộc, triển khai dự án trong thời gian ngắn nhất, ổn định cuộc sống của các hộ dân, đồng thời thực hiện việc chỉnh trang làm đẹp cảnh quan đô thị khu vực trung tâm thành phố.
Theo Nhandan
Ý kiến ()