Khắc phục “thẻ vàng”: Cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Ninh Thuận triển khai cấp bách các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định để góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC với thủy sản.
Tỉnh Ninh Thuận đang triển khai cấp bách các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Ngành chức năng tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển và kiểm soát sản lượng hải sản khai thác tại các cảng cá; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản 2017 (hiệu lực từ ngày 1/1/2019); trong đó, nhấn mạnh về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngư dân nắm rõ.
Cụ thể, trước khi ra khơi, các đơn vị sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, trang thiết bị hàng hải, thiết bị giám sát hành trình, văn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, danh bạ thuyền viên, ngư cụ, giám sát ghi nhật ký khai thác tại Văn phòng kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam). Tỉnh kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa hoàn tất thủ tục.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, cho hay để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, tỉnh đã phổ biến, vận động ngư dân sớm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m. Các chủ tàu cá chấp hành tốt việc gắn thiết bị giám sát hành trình.
Đến nay, có 642 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hàng hải Movimar, Vx 1700; các tàu còn lại đang được triển khai lắp đặt theo đúng lộ trình.
Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đến nay Ninh Thuận đã tổ chức 86 lớp tuyên tuyền cho hơn 4.100 chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân; tổ chức cho 2.580 chủ tàu ký cam kết không vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã thu được 3.822 quyển nhật ký khai thác, kiểm tra 9.373 lượt tàu cá xuất, nhập cảng.
Ngư dân Lê Văn Trí (phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) cho hay ở ngoài khơi sóng to gió lớn, bà con phải thức đêm để khai thác hải sản nên rất mệt, sáng dậy chỉ muốn nghỉ ngơi dưỡng sức.
Tuy nhiên, thông qua các lớp tuyên truyền về lợi ích phát triển nghề cá bền vững, bà con nhận thức, tuân thủ thực hiện ghi nhật ký khai thác cụ thể, tỉ mỉ khối lượng của từng loại cá, thời gian đánh bắt… để nộp nhật ký khai thác theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xảy ra vi phạm vẫn còn tồn tại. Từ đầu năm 2020 đến nay, qua theo dõi hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt 47 trường hợp vi phạm với số tiền gần 80 triệu đồng về hành vi như sử dụng công cụ khai thác mang tính tận diệt; thiếu trang thiết bị an toàn tàu cá; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không lưu giữ đầy đủ hồ sơ trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, hàng ngày, còn nhiều tàu cá của tỉnh bị mất kết nối gián đoạn thiết bị giám sát hành trình….
Thời gian tới, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Ninh Thuận tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản, chuyển đổi hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi các loại cá biển, các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản Ninh Thuận đạt hơn 105.300 tấn, đạt 92,8% kế hoạch năm, tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2019.
Để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo công tác hậu cần nghề cá, hiện nay tỉnh đang xây dựng, nâng cấp mở rộng các cảng cá, bến cá, phát triển dịch vụ đóng sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nguyên vật liệu, đa dạng hóa sản phẩm sau khai thác.
Đồng thời, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khai thác hải sản xa bờ thông qua triển khai các chính sách của Chính phủ về phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Nghị định 17/2018/ NĐ-CP để giúp ngư dân tích cực bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Ý kiến ()