Khắc phục sự chồng chéo, phân tán, lãng phí trong công tác quy hoạch
Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quy hoạch.
Dự án Luật Quy hoạch đã được cho ý kiến ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu và xây dựng gồm 6 chương với 69 điều, bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; rà soát, bổ sung nội dung báo cáo các loại quy hoạch; rà soát, bổ sung trình tự thẩm định quy hoạch; bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch…
Tại phiên họp, UBTVQH đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến: Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc lập quy hoạch; kinh phí thực hiện quy hoạch; quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch đô thị, nông thôn; hệ thống quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch…
Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị cần xem xét lại bố cục của dự án Luật cho phù hợp với phạm vi; bảo đảm Luật quy định những vấn đề cần quy hoạch mang tính chất tổng thể quốc gia; có sự tương thích với hệ thống pháp luật nói chung; khi được ban hành không phá vỡ các điều khoản được quy định ở các đạo luật khác…
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, trong thực hiện mục tiêu phát triển thì vấn đề quy hoạch là tất yếu và hiện chưa có một đạo luật về quy hoạch, nên các hoạt động liên quan đến quy hoạch còn có sự trùng lẫn.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu lại tên gọi, phạm vi của Luật cho phù hợp; bảo đảm đây là luật khung, các quy định mang tính tổng thể. Đồng thời cần rà soát lại các khái niệm về quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng… cho thống nhất với nội dung.
Cho rằng trong dự án Luật có đặt vấn đề về quy hoạch không gian biển quốc gia, song dự án Luật chưa nêu lên vấn đề quy hoạch vùng trời, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất nên đưa quy hoạch vùng trời vào Luật và nêu rõ “quy hoạch vùng trời thì ai làm quy hoạch, ai quản lý”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu yêu cầu, dự án Luật Quy hoạch được xây dựng phải bảo đảm được tính chất như một luật khung và phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí trong công tác quy hoạch; không phá vỡ hệ thống quy hoạch đã có và phải thực sự mang tính kế thừa, tạo được sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch.
Ngoài ra, về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch,một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nguyên tắc như phải bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; khoa học; khách quan; bảo đảm tính dự báo; tính ổn định lâu dài, phù hợp với quy luật vận động của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế; gắn kết, thống nhất, không chồng chéo; bảo đảm tính liên kết…
Đồng thời, trong quá trình quy hoạch phải bảo đảm những gì tốt nhất cho người dân; khai thác được lợi thế tại chỗ, từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các địa phương; bảo đảm đúng yêu cầu về nguyên tắc quy hoạch, trình tự, thủ tục cho hoạt động quy hoạch.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiếp thu ý kiến của Thường vụ đối với dự án Luật, để sớm trình dự án Luật ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, Thường vụ cũng đề nghị trong quá trình tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, nên thiết kế xây dựng trên tinh thần đây là luật khung, luật mang tính chất nguyên tắc. Đồng thời, thống nhất quy hoạch cấp quốc gia do Chính phủ trình và Quốc hội phê chuẩn và cần rà soát lại hệ thống quy hoạch và danh mục quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; bảo đảm nguyên tắc trong quy hoạch là cấp ngành, cấp địa phương phải tôn trọng quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cũng cần tiếp tục rà soát lại từ ngữ, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trong xây dựng luật…
* Cũng trong sáng nay, UBTVQH nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()