Khắc phục những yếu kém trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GMGS,GC) tập trung, song, hiện trên cả nước vẫn còn tồn tại hơn 28 nghìn cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ðiều đó thể hiện rõ sự yếu kém, lúng túng trong công tác quản lý. Vấn đề cấp bách đặt ra là cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng ngay từ địa phương.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GMGS,GC) tập trung, song, hiện trên cả nước vẫn còn tồn tại hơn 28 nghìn cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ðiều đó thể hiện rõ sự yếu kém, lúng túng trong công tác quản lý. Vấn đề cấp bách đặt ra là cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng ngay từ địa phương.
GMGS, GC lậu… công khai hoạt động
Theo Cục Thú y, hiện trên cả nước có 28.285 điểm GMGS, GC nhỏ lẻ. Trong đó, 12 tỉnh trọng điểm phía bắc (tổng cộng 11.544 cơ sở, điểm giết mổ), mới chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0,51%).Tại nhiều địa phương, tình trạng giết mổ lưu động, ngay tại hộ chăn nuôi diễn ra phổ biến, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý GMGS, GC. Theo lời giới thiệu của những tiểu thương tại chợ đầu mối Ðền Lừ, chúng tôi tìm đến hai xã Quang Lãng và Tri Thủy (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nơi nổi tiếng bởi nghề GMGS quy mô lớn với hơn 100 hộ kinh doanh, cung ứng thịt bò cho hầu hết các tỉnh phía bắc. Không khó để nhận thấy sự sầm uất, náo nhiệt của một “làng nghề” khi vào giờ cao điểm, lượng bò tập kết về các lò mổ lên đến hàng trăm con khiến con đường dẫn vào hai xã và hệ thống kênh mương dù đã được bê-tông hóa vẫn không tránh khỏi mùi hôi thối, cùng rác và váng mỡ. Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng thôn Bái Ðô (xã Tri Thủy) cho biết: “Người dân trong thôn cũng nhận thức được môi trường họ sinh sống đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng, nhưng để giải quyết được tận gốc vấn đề môi trường thì lực bất tòng tâm”. Ðể khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Quang Lãng và Tri Thủy, tháng 9-2009, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án Trung tâm GMGS, GC, giao Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 3,6 ha; công suất mổ 300 con trâu, bò/ngày-đêm, kinh phí 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau bốn năm khởi động, đến nay dự án vẫn bế tắc…
Còn tại tỉnh Hải Dương, hiện có hơn 1.600 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó có 20 điểm giết mổ trâu, bò, hơn 680 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, gần 530 điểm giết mổ gia cầm; số cơ sở được kiểm soát giết mổ mới đạt khoảng hơn 50%. Việc GMGS, GC chủ yếu được thực hiện tại các hộ dân trong các khu dân cư; việc buôn bán chủ yếu diễn ra tại các chợ phiên, chợ cóc tại các làng, xã, do vậy việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường là điều khó khăn và rất phức tạp trong phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm.
Câu chuyện ấy ở tỉnh Ðồng Nai cũng chả khác là bao, việc hàng trăm cơ sở giết mổ trái phép (giết mổ lậu) GS,GC vẫn ngang nhiên tồn tại và kéo dài khiến người dân nơi đây hết sức lo ngại. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh Ðồng Nai vẫn còn 261 cơ sở giết mổ trái phép, trong đó tồn tại nhiều nhất ở địa bàn TP Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và Tân Phú, còn lại nằm rải rác ở các địa phương khác. Ðiển hình, tại phường Long Bình, nơi được xem là điểm nóng về tình trạng giết mổ lậu đã tồn tại hơn mười năm nay ở TP Biên Hòa, mặc dù chính quyền các cấp cùng các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.
Ði tìm nguyên nhân?
Có thể thấy, liên quan đến công tác quản lý kiểm soát GMGS, GC bảo đảm an toàn thực phẩm, trong thời gian qua đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành hữu quan, song cho đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Theo Phó Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ðình Ðảng, thành phố đã xây dựng bảy cơ sở giết mổ công nghiệp với công suất thiết kế 112 tấn thịt gia cầm, 82 tấn thịt gia súc/ngày nhưng có tới năm cơ sở ngừng hoạt động và hai cơ sở hoạt động chỉ đạt 5% công suất. Ngoài ra, Hà Nội có tám khu giết mổ tập trung, song gần như vẫn “đắp chiếu”, mới chỉ cung ứng được 15% nhu cầu thịt gia cầm và 29,4% thịt lợn. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ giết mổ, chi phí giết mổ tập trung thường cao hơn so với các hộ, điểm GMGS,GC nhỏ lẻ. Mặt khác, còn phải kể đến thói quen của người tiêu dùng chỉ thích các sản phẩm tươi sống không qua bảo quản. Tương tự như vậy, việc kiểm soát giết mổ ở TP Ðồng Nai cũng chưa tốt là do sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa “đều tay”, còn khá thụ động trong việc quản lý tình trạng giết mổ lậu, bởi nhiều người dân suy nghĩ đây là chuyện của ngành thú y và quản lý thị trường. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ðồng Nai Trần Văn Quang cũng thừa nhận: “Thời gian qua, lực lượng thú y, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường cũng đã có nhiều đợt kiểm tra, truy quét, nhưng do làm không liên tục, làm không hết, cộng với việc các lò mổ lậu hoạt động lén lút, lại manh động và sẵn sàng chống trả cho nên vẫn chưa giải quyết được triệt để”.
Theo Phó Cục trưởng Thú y Trần Ðình Luân, nguyên nhân chính của thực trạng nêu trên do UBND các cấp chưa quan tâm chỉ đạo và ban hành chế tài xử lý nghiêm việc buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi chưa qua kiểm dịch thú y, kiểm soát giết mổ, không cương quyết và triệt để chỉ đạo các ban, ngành có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðể xây dựng các cơ sở GMGS, GC tập trung, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa tạo được quỹ đất, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp, khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục thuê đất, lập dự án xây dựng cơ sở GMGS, GC tập trung còn phức tạp, mất nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn, qua nhiều cơ quan thẩm định cũng gây khó thêm cho các nhà đầu tư.
Mạnh tay từ cơ sở…
Nhìn bức tranh tổng thể, Cục Thú y nhận định, so các tỉnh phía bắc, các tỉnh phía nam đang làm tương đối tốt công tác này. Ðiển hình như TP Hồ Chí Minh, đến nay đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, kiểm soát hơn 97% số lượng GSGC được giết mổ; 100% số cơ sở giết mổ lợn được thực hiện theo phương thức giết mổ treo, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra là, cùng một chính sách, một cơ chế, nhưng một số tỉnh làm được còn nhiều tỉnh lại không? Tại hội thảo về quản lý GMGS, GC do Cục Thú y tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo các Chi cục Thú y 18 tỉnh, thành phố một lần nữa khẳng định: Ðể làm tốt công tác này, UBND các tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt; khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở GMGS, GC tập trung với quy mô và hình thức phù hợp thực tế ở địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hỗ trợ phí giết mổ đối với các hộ dân thông qua cơ sở giết mổ; tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y. Cùng với những giải pháp này, các địa phương cần có cơ chế quản lý chặt chẽ “đầu vào và đầu ra” sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm tăng cường kiểm tra “tận gốc” chứ không chỉ kiểm tra “phần ngọn” tại các chợ như hiện nay. Ðồng thời, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về các vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh động vật thông qua hoạt động GMGS, GC tập trung. Mấu chốt nhất vẫn là phải đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống GMGS, GC tập trung, trước hết tập trung giải quyết khâu vốn. Ðối với những cơ sở cấp phép nhưng không bảo đảm vệ sinh thú y phải có lộ trình di dời, phải kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở giết mổ lậu. Ðược biết, ngày 9-10-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119 quy định xử phạt trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; trong đó, quy định rõ các mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về kiểm soát GMGS, GC. Một lần nữa, đây sẽ là “cây gậy” pháp lý giúp chính quyền, các ban, ngành hữu quan trong công tác quản lý GMGS, GC, góp phần bảo đảm an toàn trong tiêu dùng thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()