Khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành
Chiều 6-4, trong ngày khai mạc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nghe Chính phủ xin trình QH dự án Luật phí và lệ phí. Đa số các ý kiến thảo luận thống nhất sự cần thiết phải ban hành luật, qua đó khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, Pháp lệnh phí và lệ phí (được ban hành năm 2001).
Tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp
Báo cáo của Tờ trình Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, đã nêu rõ: Qua 13 năm triển khai thực hiện, công tác trong lĩnh vực này cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Pháp lệnh.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế; chính sách phí, lệ phí đóng vai trò trong việc bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như điều tiết hoạt động kinh tế – xã hội đất nước cần được xem xét, điều chỉnh phủ hợp hơn nữa.
Xây dựng Luật phí và lệ phí góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế năm 2011-2020; qua đó xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu…
“Việc hoàn thiện chính sách phí, lệ phí góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận 37-TB/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Chính vì vậy, các đại biểu: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu khác bày tỏ đồng tình cần phải sửa đổi pháp luật phí, lệ phí để phù hợp với chủ trương nêu trên.
Việc xây dựng luật này góp phần đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế năm 2011-2020 nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: Xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu,…; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số nội dung cụ thể trong dự án Luật, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới chính sách phí và lệ phí…
Một trong những vấn đề khác là tăng cường quản lý nhà nước và kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí, tránh trùng lắp, chồng lấn.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính
Cơ quan soạn thảo cho rằng, mục tiêu xây dựng Luật lần này tập trung phản ánh đầy đủ, kịp thời nguồn thu từ phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước, bảo đảm minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí.
Thực hiện các quy định trong luật sẽ từng bước chuyển đổi những khoản phí có bản chất là giá dịch vụ sang cơ chế giá thị trường với lộ trình phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Hơn nữa, xây dựng luật sẽ luật hóa các quy định còn phù hợp đồng thời khắc phục triệt để những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách phí, lệ phí hiện hành.
Xây dựng luật cũng sẽ theo hướng bảo đảm chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.
Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ (Điều 1 và Điều 6), Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, phạm vi điều chỉnh theo quy định của Dự thảo Luật, điều chỉnh bao gồm cả phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện là chưa thực phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong một số lĩnh vực cần khuyến khích.
Theo đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do Cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện như Dự thảo Luật.
Ủy ban Tài chính-Ngân của Quốc hội sách cho rằng: Các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời bỏ các quy định liên quan đến các khoản thu từ phí, lệ phí của các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện trong Dự thảo Luật (khoản 4 Điều 6, khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 10).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, một số khoản phí có tính chất giá dịch vụ nhưng có tác động lớn đến an sinh xã hội và sự vận động của nền kinh tế, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, nâng giá như: Phí sử dụng đường bộ thuộc các dự án BOT, phí dịch vụ thuộc các khu chung cư do các Ban quản lý dự án quản lý….
Do vậy, ý kiến này nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, theo đó Luật sẽ điều chỉnh quản lý thu, nộp phí, lệ phí đối với dịch vụ công do các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện.
Dự thảo Luật quy định ba nhóm đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí. Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định như Dự thảo Luật chưa thật sự hợp lý và chưa bao quát được hết các đối tượng cần miễn, giảm trong thực tiễn (như người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam…). Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát lại các đối tượng để bảo đảm tính bao quát, phù hợp và khả thi trong thực tiễn.
* Phiên họp lầ n thứ 37 của Ủy ban TVQH diễn ra trong năm ngày từ ngày 6 đến 10-3, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng như: Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật H ình sự (sửa đổi); Bộ luật T ố tụng hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Ủy ban TVQH cũng sẽ nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vừa diễn ra tại Hà Nội; cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); c ho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, Ủy ban TVQH năm 2016.
Ngoài ra, trong chương trình làm việc, các đại biểu sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()