Khắc phục những tồn tại trong quản lý, tổ chức lễ hội
LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, có 7 dân tộc chính. Mỗi dân tộc đều có nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán mang những đặc trưng riêng của miền quê Xứ Lạng. Cùng với việc phát huy, bảo tồn, tổ chức lễ hội đậm nét văn hóa dân tộc thì trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Du khách trẩy hội chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Hiện nay, Lạng Sơn có khoảng 340 lễ hội với tính chất quy mô khác nhau, được tổ chức vào mùa xuân từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Trong đó: lễ hội lồng tồng chiếm khoảng 90% tổng số các Lễ hội trên địa bàn tỉnh, còn lại là các loại hình lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng và lịch sử cách mạng. Các lễ hội diễn ra đều thực hiện đúng quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đảm bảo tiết kiệm, không phô trương hình thức, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, thương mại, kinh tế cửa khẩu của tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước và với Quảng Tây – Trung Quốc. Từ năm 2005 đến nay, ngành văn hóa của tỉnh đã nghiên cứu và phục dựng được 7 lễ hội như: Lễ hội tình yêu (báo slao) xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định; lễ hội đình Cao Sơn, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng; lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn; lễ hội đình Làng Mỏ, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng…. Trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm, Sở VHTTDL đã phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật tiến hành phục dựng lễ hội để ghi âm, ghi hình, dựng thành phim tư liệu đưa vào đĩa vi tính lưu giữ, bảo quản tại kho lưu trữ Quốc gia, Trung tâm ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và làm tư liệu để dàn dựng sân khấu hóa lễ hội phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Trao đổi về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, ông Hoàng Văn Páo, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Hầu hết các địa phương có lễ hội được tổ chức đều thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức, phân công nhiệm vụ, xây dựng kịch bản phần lễ, hội. Việc phân cấp tổ chức lễ hội theo quy mô từng cấp, từng cơ sở gắn liền với nhiều nội dung hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại đã tạo điều kiện cho nhân dân, các tổ chức chính quyền và đoàn thể ở cơ sở được trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện. Qua đó đã phát huy tính sáng tạo, kế thừa truyền thống văn hóa, tập tục tốt đẹp của từng dân tộc, từng địa phương. Ở các di tích, đền, chùa cơ bản không còn hiện tượng thắp hương tràn lan trong nội tự, không có việc thả, ném, cài, giắt tiền lên tượng. Các hoạt động dịch vụ phục vụ tại các địa phương được quản lý tốt, công khai niêm yết giá, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân dự lễ hội. Công tác vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải được chú trọng, có sự phối hợp trong công tác tổ chức lễ hội của các cấp, ngành.
Lợn quay, món ẩm thực phục vụ tại lễ hội |
Tuy nhiên, việc phát huy và tuyên truyền quảng bá các giá trị lễ hội truyền thống các dân tộc còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Đặc biệt, công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn còn tồn tại bất cập như: Có sự sai lệch về nội dung lẫn hình thức tổ chức lễ hội so với các lễ hội truyền thống; phục hồi và tổ chức lễ hội có sự bắt chước giống nhau. Hiện tượng làm mới và biến đổi các nghi thức, nghi lễ truyền thống của các lễ hội trên địa bàn gây khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Tình trạng đốt vàng, hương tràn lan, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn cho khách, lấn chiếm không gian di tích mở hàng quán, dịch vụ lộn xộn, tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ, lợi dụng tâm lý người đi hội để lừa đảo, ép giá, tình trạng lên đồng, xóc thẻ tại di tích… vẫn còn tồn tại. Cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, ẩm thực truyền thống phục vụ lễ hội còn hạn hẹp, thiếu thốn. Chưa huy động được các nguồn lực của toàn xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của lễ hội trong đời sống. Hình thức tổ chức hội liên gia bên cạnh những mặt tích cực còn có tình trạng sử dụng lòng, lề đường làm địa điểm tổ chức ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Thiết nghĩ, các cấp, ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động để đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân và khách thập phương khi đến Lạng Sơn.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()