Khắc phục những bất cập khi sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội khóa X thông qua năm 1999 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân đề nghị sửa Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Qua theo dõi tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa Luật là cần thiết.
Theo đó, nội dung sửa Luật cần nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng; trước mắt tập trung vào các điều, khoản để giải quyết 6 nhóm vấn đề còn vướng mắc, bất cập, gồm: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; về sĩ quan dự bị.
Đồng thời, khi sửa Luật cần nghiên cứu sửa các văn bản dưới luật tương ứng, như: Nghị định số 107/2015/NĐ-CP ngày 24-10-2015 của Chính phủ quy định chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam; Thông tư số 08/2020/TT-BQP ngày 17-1-2020 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 13 và Điều 16 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về hạn tuổi của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý; kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của sĩ quan; phong quân hàm học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ…
Về phương án sửa Luật, trước hết luật hóa được các chủ trương mới của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; giải quyết được cơ bản những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Tuy nhiên, việc sửa Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện nay còn có một số ý kiến khác nhau, nhất là trường hợp sửa Luật nếu chưa hoàn thành trước khi tiến hành đại hội Đảng các cấp sẽ tác động đến tư tưởng đội ngũ cán bộ, nhất là số cán bộ gần hết tuổi phục vụ tại ngũ, không đủ tuổi tham gia cấp ủy.
Vấn đề này, theo Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng), quy trình xây dựng Luật Sĩ quan (sửa đổi) theo trình tự rút gọn gồm 10 bước; thời gian dự kiến khoảng 6 tháng tính từ khi lập đề nghị đến khi trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp. Như vậy, nếu tập trung triển khai ngay và thực hiện song hành các nội dung liên quan về quá trình, thủ tục xây dựng Luật thì có thể Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2024.
Một nội dung khác cũng nhận được rất nhiều ý kiến của cơ quan, đơn vị, đó là nếu sửa Luật, cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ không giữ được ổn định như hiện nay, gây ùn tắc, dư thừa cán bộ, do số cán bộ cấp phân đội biến động nhanh, hằng năm phải đào tạo bổ sung và chuyển ra, nếu kéo dài thì số chuyển ra giảm (nhất là những năm đầu tăng tuổi) dẫn đến thừa cán bộ. Theo chỉ huy Vụ Pháp chế, vấn đề này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng giai đoạn đầu khi thực hiện Luật; song có thể từng bước khắc phục bằng cách giảm tỷ lệ tuyển đầu vào ở các trường Quân đội…
Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu sửa Luật, sĩ quan ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sẽ khó đáp ứng về mặt sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ khi tăng tuổi đối với từng cấp bậc quân hàm… Nội dung này có thể đưa vào luật hoặc các văn bản dưới luật quy định cụ thể hạn tuổi của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý. Thực tế hiện nay, các đơn vị đang thực hiện Thông tư số 08/2020/TT-BQP ngày 17-1-2020 của Bộ Quốc phòng.
Ý kiến ()