Hôm qua, 27-9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã bắt đầu phiên họp thứ 35 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Đến dự có Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đại diện một số bộ, ban, ngành có liên quan. Phiên họp dự kiến làm việc đến ngày 5-10 để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, QH khóa 12, dự kiến khai mạc vào ngày 20-10-2010 tại Hà Nội.
Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010; nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về báo cáo nói trên của Chính phủ và báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH về công tác dân nguyện năm 2010.
Thảo luận về ba báo cáo nói trên, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo, những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, của các cấp, các ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực; đạt được một số kết quả nhất định, giải quyết được số lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp. Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài; giúp Chính phủ xây dựng Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các bộ, ngành và địa phương cũng tích cực đưa ra những giải pháp thiết thực, giải quyết dứt điểm số lượng lớn vụ việc ngay tại cơ sở. Do đó, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm qua tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục tăng so năm 2009. Các cơ quan nhà nước đã tiếp nhận 157.779 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tăng 29,8%) của 112.063 vụ việc (tăng 17%). Trong đó: về khiếu nại có 134.782 đơn (tăng 29,9%) của 98.911 vụ việc (tăng 19,2%); nội dung khiếu nại vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai (69,9%), yêu cầu trả lại nhà đất thuộc diện cải tạo (4,66%)… Về tố cáo có 22.997 đơn (tăng 29,3%) của 13.152 vụ việc (tăng 4%). Nội dung tố cáo tập trung vào lĩnh vực hành chính (94%), chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, nhất là trong việc quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội… Số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo gia tăng, có 379.989 lượt người, (tăng 23,7%). Cả nước có 3.592 lượt đoàn khiếu kiện đông người (tăng 43,11%), trong đó các địa phương tiếp 303.516 lượt người (tăng 16%).
Nhìn chung, việc tổ chức tiếp công dân đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều thủ trưởng bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn. Công tác tiếp công dân đã gắn với việc đôn đốc, chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc bức xúc, phức tạp và khiếu kiện đông người. Qua đối thoại đề xuất biện pháp, giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm qua các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã giải quyết được 85,2% số vụ việc theo thẩm quyền (tăng 1,27% so năm 2009), trong đó giải quyết khiếu nại đạt 84,9%; giải quyết tố cáo đạt 87,02%. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, trong 48.136 vụ việc khiếu nại thì có 7.414 khiếu nại đúng (bằng 15,4%), có 14.826 khiếu nại có đúng, có sai (bằng 30,8%), có 25.896 khiếu nại sai (bằng 53,8%). Trong số 6.881 vụ việc tố cáo thì tố cáo đúng chiếm 13,3%, tố cáo có đúng, có sai chiếm 28,6%, tố cáo sai chiếm 58,5%. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước được nhiều tài sản, đất đai và đề nghị xử lý đối với những người vi phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến phát biểu và cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã đạt được kết quả tích cực hơn năm trước; nhưng nhìn chung, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng đùn đẩy, đơn chuyển lòng vòng vẫn chưa được khắc phục. Hiệu quả giải quyết thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp hơn. Nhiều vụ việc tồn đọng chưa giải quyết xong lại phát sinh vụ việc mới.
Nhiều ý kiến phát biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua và cho rằng, những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo nêu trong Báo cáo của Chính phủ không có gì mới mà đã có từ nhiều năm nay, nhưng chậm được khắc phục. Ngoài những nguyên nhân như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, như cơ chế chính sách còn bất cập so thực tế; công tác quản lý, nhất là quản lý đất đai còn nhiều yếu kém… còn có nguyên nhân về đạo đức, phẩm chất cũng như năng lực quản lý trên một số lĩnh vực của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm không đầy đủ của người có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Đây là những nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và cũng là nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo thêm phức tạp.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng phải khắc phục cho được nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do vậy đã kiến nghị với QH, Ủy ban Thường vụ QH tăng cường giám sát công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiến nghị Chính phủ cần rà soát thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức để tìm ra những bất cập, từ đó sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ý kiến ()